Hiện, Thạnh Mỹ cũng là địa phương tiêu biểu của huyện Tân Phước khi chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây khoai mỡ, chanh, khóm (dứa) kết hợp với chăn nuôi theo quy trình chuẩn. Để giúp người dân yên tâm phát triển loại cây trồng này theo hướng tập trung, quy mô lớn, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phước được thành lập vào năm 2018.
Sản xuất theo chuỗi
Với vai trò cầu nối trong chuỗi sản xuất, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua khóm, khoai mỡ, chanh từ thành viên và người dân. Sau 2 năm, HTX đang là một trong 20 nhà cung cấp khóm, khoai mỡ, chanh tươi cho Công ty Cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh khoảng 3 tấn/ngày và khoảng 10 tấn khóm gọt vỏ/tháng cho Công ty Thuận Phong.
Ngoài ra, HTX còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới tại huyện Tân Phước”. Hiện, dự án đang tiến hành thi công xây dựng nhà lưới.
Người dân thu hoạch khóm để cung cấp cho HTX. |
Tận dụng những phụ phẩm từ ngành trồng trọt, HTX đã khuyến khích thành viên chăn nuôi heo, bò. Với hoạt động này, HTX cũng ký hợp đồng với Công ty Anova, Green Feed cung ứng thức ăn, thuốc thú y với giá đầu vào rẻ hơn giá thị trường. Cụ thể, với mỗi bao thức ăn, thành viên sẽ được ưu đãi trực tiếp bằng cách chiết khấu 3%.
Để bảo đảm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, hiện HTX thực hiện chăn nuôi heo an toàn sinh học. Trong đó, một phần vốn là của thành viên, ngoài ra còn được doanh nghiệp và ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Qua 2 năm hoạt động, HTX đã từng bước xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX ngày càng phát triển.
Cụ thể, HTX đang thực hiện dịch vụ bơm tát nước tại ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước trong thời hạn 5 năm với tổng diện tích 44 ha. Ngoài ra, HTX còn đứng ra cung ứng giống bò sinh sản cho16 hộ thuộc 3 xã: Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông và Hưng Thạnh và các hộ dân trên địa bàn xã Tân Lập 2.
Để thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng lớn với doanh nghiệp, HTX chủ động phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ vận tải Khánh Linh xây dựng đội vận tải 10 xe có trọng tải từ 1 - 10 tấn để vận chuyển hàng hóa của bà con nông dân tại địa phương khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, cán bộ HTX đã tích cực tìm hiểu thị trường qua các công ty, doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, ký kết hợp đồng đầu vào và đầu ra trong sản xuất. Từ đó, ngoài thu hút 38 thành viên, HTX còn luôn đảm bảo đầu ra ổn định cho thành viên và nông dân, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 50 lao động tại địa phương.
"Đích đến" không còn xa
HTX Tân Phước chỉ là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả quy mô lớn trên địa bàn xã Thạnh Mỹ. Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chính vì vậy, HTX đã tận dụng tốt sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để liên kết với các doanh nghiệp cũng như mở rộng cho việc sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Trước đây, đời sống của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, không chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất và khó khăn về đầu ra, nên kinh tế hộ cũng như địa phương không phát triển.
Tuy nhiên, từ khi HTX Tân Phước ra đời đã đáng dấu sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự tuyên truyền của chính quyền và HTX, người dân đã hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông, giữ gìn vệ sinh, phát triển sản xuất để giảm nghèo…
Theo chính quyền xã, ngoài phát triển mô hình HTX nhằm phát huy các tiềm năng đất đai, lao động phát triển sản xuất, xã còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh, huyện, vốn vận động trong nhân dân và các mạnh thường quân để đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm.
Xây dựng cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế. |
Mặt khác, xã khuyến khích nông dân đẩy mạnh khai hoang, vỡ hóa đất đai, đưa vào cơ cấu sản xuất các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn nhưng lại có lợi thế phát triển theo hướng hàng hóa tập trung.
Đến nay, trên địa bàn xã Thạnh Mỹ, các công trình giao thông, hạ tầng cơ sở đã cơ bản được hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, sự nghiệp giáo dục.
Đại diện UBND xã Thạnh Mỹ cho biết, nhờ coi trọng mô hình liên kết chuỗi giá trị, trong đó lấy HTX là lực đẩy phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã đã hình thành được vùng trồng khóm trên 2.100 ha, vùng trồng khoai mỡ trên 105 ha.
Trong đó, khóm cho năng suất bình quân 21-23 tấn/ha, có giá trị tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu; khoai mỡ đạt năng suất từ 14 - 15 tấn/ha, là cây màu lương thực đặc hữu của vùng Đồng Tháp Mười mang lại giá trị kinh tế cao. Đây là hai cây trồng chủ lực của miền đất mới Thạnh Mỹ.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng phát triển theo hướng đa dạng hóa về cơ cấu vật nuôi với tổng đàn lợn gần 5.000 con, đàn bò trên 160 con, đàn gia cầm gần 213.000 con… mang đến cho cư dân địa phương một nguồn thu nhập quan trọng.
Kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Xã chỉ còn 30 hộ nghèo, chiếm 3,9% , kéo tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới mức 4%, đạt tiêu chí về giảm nghèo trong bộ tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến cuối năm 2019, xã Thạnh Mỹ đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, mục tiêu đến cuối năm 2020 hoàn thành 100% tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới. Theo lãnh đạo UBND xã, mục tiêu này là nằm trong tầm tay, vì địa phương đang nhận được sự đồng tình ủng hộ tích cực của người dân và sự hỗ trợ của huyện, tỉnh về phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm đưa Thạnh Mỹ trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội và trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Huyền Trang