Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Sung đã huy động mọi nguồn lực được trên 75 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 56,85 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 18,28 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.
Tạo niềm tin trong sản xuất
Đến nay, xã Chiềng Sung đã xây dựng được 24 tuyến đường bê tông liên bản, nội bản, với chiều dài hơn 17 km; kiên cố hóa 1.234 m kênh mương, đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 50 ha. 21/21 bản có nhà văn hóa, khu thể thao phục vụ cộng đồng, trên 97% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.Thu nhập bình quân đạt 32,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7%…
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Để có kết quả này không thể không nhắc đến sự quan tâm của địa phương đối với việc hình thành và phát triển mô hình HTX kiểu mới nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, tạo việc làm, từ đó làm lực đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo hướng bền vững.
![]() |
Mận là một trong những cây trồng chủ lực của HTX Bình An (Ảnh: TL) |
Từng là những hộ gặp nhiều khó khăn vì tập trung vào sản xuất ngô, dưới làn gió phát triển các mô hình kinh tế hợp tác ở Sơn La, HTX Trồng cây Bình An (bản Bó Lý, xã Chiềng Sung) đã được thành lập và mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả (cam, mận, nhãn, xoài, thanh long…) theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy chưa hiểu hết về vai trò của mô hình HTX kiểu mới nhưng thấy tham gia HTX sẽ sản xuất thuận lợi hơn và có cơ hội làm giàu nên các thành viên đều có niềm tin vào sản xuất.
Ông Vì Văn Bình, giám đốc HTX cho biết, các thành viên HTX được huyện, xã cho đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các HTX có thu nhập cao, tạo niềm tin và điều kiện để các thành viên huy động nội lực và vay vốn ngân hàng, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.
Dưới sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông xã, các sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận VietGAP. Sản phẩm được chú trọng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc để thuận lợi cho tiêu thụ.
Nhờ tham gia HTX, các thành viên có thể thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Đời sống nghèo khó ở bản Bó Lý đã không còn, thay vào đó là những đồi cây ăn quả quanh năm xanh mướt. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, HTX Bình An còn cùng địa phương xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên bản, vận động người dân chủ động tham gia sản xuất.
Mở cơ hội làm giàu
Vận động người dân tham gia HTX để cùng nhau sản xuất chanh leo phục vụ các hợp đồng chế biến và xuất khẩu của công ty Đồng Giao và công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung, HTX Quỳnh Nghĩa (bản Cang A) đang là cầu nối trong chuỗi sản xuất khi kết nối người dân với doanh nghiệp.
Hiện, các thành viên và người dân đang chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả như ngô, sắn sang trồng cây chanh leo. Từ lúc chỉ có vài ha, đến nay, tổng diện tích chanh leo toàn xã đạt trên 160ha. So với các loại cây trồng khác, chanh leo đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, 1ha chanh leo cho năng suất khoảng 40 tấn. Với mức giá thấp nhất là 5.000đồng/kg, 1ha chanh leo sau 4 tháng trồng thu được 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 100 triệu đồng.
![]() |
HTX Quỳnh Nghĩa và doanh nghiệp đang mở ra cơ hội cho các gia đình phát triển kinh tế từ sản xuất chanh leo (Ảnh: TL) |
Khi liên kết được với doanh nghiệp, người dân, thành viên còn được hỗ trợ trong sản xuất. Hiện, cây giống được nhập trực tiếp từ doanh nghiệp với mức giá 18.000 đồng/cây. Doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho người dân trả trước 50% số tiền mua giống, 50% còn lại sẽ thanh toán cho công ty khi chanh leo cho thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho mọi người nên cây chanh leo phát triển rất tốt.
Mối liên kết giữa HTX Quỳnh Nghĩa và doanh nghiệp đang mở ra cơ hội cho các gia đình phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.
Để tạo điều kiện cho các HTX phát triển, từ nguồn vốn chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Sung đã hỗ trợ các HTX vay vốn, mở rộng sản xuất, đặc biệt là đầu tư vào khoan các giếng để phục vụ lấy nước sản xuất. Như Tại HTX Bình An, việc khoan giếng, đầu tư đường điện, đường ống dẫn nước để làm hệ thống tưới ẩm tự động đã giúp HTX chủ động sản xuất, không bị phụ thuộc vào nước trời.
Bên cạnh đó, xã Chiềng Sung cũng thành lập tổ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng kế hoạch cụ thể xuống từng hộ trong bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang các loại cây trồng có thu nhập cao; chuyển dần diện tích ngô thương phẩm sang trồng chanh leo, thanh long, xoài da xanh, bơ và tham gia HTX để được hỗ trợ nhiều mặt.
Từ các mô hình HTX trồng cây ăn quả thành công và cho thu nhập ổn định hơn trồng ngô, các hộ dân đã định hướng được sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo từng năm. Nhà trồng ít thì gần nghìn mét vuông, nhà trồng nhiều cả vài nghìn mét vuông chanh leo, cam, bưởi da xanh, thanh long. Màu xanh cây trái, màu xanh no ấm không chỉ làm "yên cái bụng" những người dân mà còn đưa những thanh niên đã từng ra ngoài tỉnh làm thuê quay trở về làm ăn sinh sống trên mảnh đất quê hương.
Như Yến