Dù đã có những dấu hiệu tích cực nhưng ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn vẫn đang gặp không ít khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu đầu vào chưa có dấu hiệu giảm trong khi giá bán lợn hơi những ngày gần đây cũng chỉ quanh quẩn ở mức 65.000-70.000 đồng/kg.
Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ
Theo tính toán của các HTX, với mức giá trên, người dân dù có lãi thì cũng rất mỏng bởi giá bán lợn hơi hiện không đủ bù cho giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào.
Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc HTX chăn nuôi Yên Bình (Vĩnh Phúc) cho biết, chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn gà nói riêng trong thời gian này không khác gì một canh bạc. Người dân, thành viên HTX có thể lãi được vài chục triệu đồng ở lứa nuôi này nhưng lứa sau có thể lỗ đến cả trăm triệu.
Nguyên nhân của tình trạng này là vấn đề đầu ra vẫn còn nhỏ lẻ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp chưa đứng ra bảo tiêu được với số lượng lớn, chưa ổn định được giá cả thị trường. Điều này dẫn đến những khó khăn cho chính người dân, thành viên HTX.
Còn theo các chuyên gia, mâu thuẫn của ngành chăn nuôi hiện nay đó là giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng, điều tiết bởi thị trường nước ngoài, nhưng giá thực phẩm, nhất là giá lợn hơi lại bị chi phối bởi thị trường trong nước nhưng dưới sự quản lý của Nhà nước. Vấn đề này gây ra sự bất cập đó là người sản xuất- người dân, thành viên HTX bị thiệt vì không được hưởng lợi và không có quyền quyết định giá cả của chính sản phẩm mà mình làm ra.
Chăn nuôi được ví rủi ro như canh bạc bởi người trực tiếp sản xuất lại không có quyền quyết định giá thành sản phẩm. |
Tồn tại trên cũng là nguyên nhân khiến người dân, HTX rơi vào cảnh bị động, thậm chí chán nản trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đó là chưa kể đến những vướng mắc về quy định pháp luật trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại.
Hiện, việc bố trí đất cho chăn nuôi quy mô trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi và việc hỗ trợ di dời các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư ra vùng quy hoạch còn nhiều khó khăn, bất cập.
Cụ thể là chăn nuôi đóng góp trên 33% tỷ trọng cơ cấu giá trị nội ngành nông nghiệp, chỉ sau trồng trọt vào năm 2021. Vậy nhưng trong các quy hoạch về đất đai của nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa đề cập đến việc quy hoạch dành đất cho phát triển chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Trong khi nhu cầu phát triển, đầu tư trang trại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại của người dân, HTX là không hề nhỏ.
Ông Nông Đức Truyền, Giám đốc HTX Truyền Nhi (Bắc Kạn) cho biết do không có quỹ đất để xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung, HTX buộc phải thực hiện đầu tư con giống, hỗ trợ kỹ thuật để thành viên, người dân có chuồng trại chăn nuôi tại nhà. Điều này khiến công tác quản lý khó khăn, quy trình chăn nuôi khó đồng bộ nên cũng khó liên kết chuỗi với doanh nghiệp lâu dài.
Đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu
Trước thực trạng trên, các thành viên HTX đều băn khoăn rằng không biết đến bao giờ chăn nuôi mới bớt bấp bênh, đầu ra cho con lợn, con gà đến bao giờ mới được rộng mở để người chăn nuôi yên tâm sản xuất.
Thực chất để giải quyết bài toán này đối với những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hay với các HTX là không hề đơn giản bởi người chăn nuôi hiện nay đang bị chi phối bởi các điều hành kinh tế mang tính vĩ mô của Nhà nước, của các bộ ngành.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 7/2022, đàn lợn vẫn tăng 4,8%; đàn gia cầm tăng 1,6%; đàn bò tăng 2,6%. Dự kiến năm nay cả nước sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt các loại. Như vậy, ngành chăn nuôi vẫn đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm.
Ngành chăn nuôi mới đang dừng lại ở mức sơ chế, còn chế biến sâu vẫn bỏ ngỏ nên chưa mở rộng được đầu ra cho người chăn nuôi và chưa thúc đẩy xuất khẩu. |
Tuy nhiên, năm 2017, ngành chăn nuôi Việt Nam đã từng rơi vào cuộc khủng hoảng thừa. Đây chính là cảnh báo rõ nét cho ngành chăn nuôi nếu chỉ trông chờ vào tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bởi đây là thị trường vốn đầy rẫy những bấp bênh còn thị trường trong nước đã vào giai đoạn bão hòa.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng chỉ có đầu tư cho chế biến để có các sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu mới là lời giải cho ngành chăn nuôi hiện nay. Bởi nếu không có đầu ra ổn định thì chăn nuôi vẫn mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy khó khăn. Người chăn nuôi, HTX cũng nắm trong tay phần thua lỗ nhiều hơn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, cho biết chăn nuôi hiện nay sản xuất đã cơ bản đủ phục vụ nhu cầu trong nước nên muốn phát triển, mở đầu ra thì phải xuất khẩu. Chỉ xuất khẩu mới tháo gỡ được tình trạng cung vượt cầu ở trong nước.
“Khi xuất khẩu sẽ tác động đến cả hệ thống từ người chăn nuôi, HTX, doanh nghiệp đến các nhà quản lý. Từ đó ngành chăn nuôi ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế và sản xuất nông nghiệp”, ông Sơn nói.
Còn ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) cho biết chỉ có thông qua chế biến, giá trị mặt hàng chăn nuôi mới được nâng lên và cơ hội xuất khẩu mới cao. Thậm chí không cần xuất khẩu thì chế biến cũng là điều cần thiết vì khi đất nước càng phát triển, thói quen tiêu dùng của người dân cũng sẽ khác. Việc người dân lựa chọn những sản phẩm chăn nuôi đã qua chế biến sẽ nhiều hơn thay vì sử dụng sản phẩm tươi sống như hiện nay.
Phải khẳng định rằng, ngành chăn nuôi đang có tiềm năng, lợi thế sẵn có rất lớn bởi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương đang chuyển đổi nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp, từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung và phát triển thị trường tiêu thụ thông qua các chuỗi giá trị giữa HTX và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ được đánh giá là vẫn còn ít. Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được thịt gà chế biến sang một số nước như Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)... Tính cả năm 2021, Việt Nam mới xuất khẩu được 2.531 tấn thịt gà chế biến các loại, chủ yếu sang thị trường Nhật Bản và Hồng Kông. Còn đối với thịt lợn dù đã được xuất khẩu sang một số thị trường nhưng chủ yếu ở dạng lợn mảnh, chưa chú trọng chế biến sâu nên chưa tương xứng với tiềm năng của ngành chăn nuôi.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, điều cần làm hiện nay là nên có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư chuỗi sản xuất khép kín, bao gồm cả nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phù hợp với từng thị trường, vùng miền, từ đó thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó cần tháo gỡ những khó khăn về đất đai, vốn, kỹ thuật, dự báo thị trường, giống, thức ăn chăn nuôi… để tạo thuận lợi cho người dân, HTX liên kết, đầu tư cho chăn nuôi. Khi làm được điều này sẽ thu hút doanh nghiệp chế biến liên kết và nâng cao được năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất.
Huyền Trang