Vốn là một xã có đời sống kinh tế nhiều khó khăn từ 6 năm trước, nhưng đến nay xã Bảo Quang ở Tp. Long Khánh (Đồng Nai) đã thay đổi nhanh chóng, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, có sự phát triển mạnh về nông nghiệp, nhất là nghề trồng nấm ở ấp Bàu Cối.
Làng nghề trồng nấm hướng tới xuất khẩu
Từ nghề trồng nấm mèo cách đây 20 năm, những năm gần đây, các nông dân trong làng nấm Bàu Cối (với khoảng 140 hộ dân theo nghề trồng nấm) đã phát triển thêm các loại nấm mới đang thịnh hành trên thị trường như nấm rơm, nấm sò, nấm bào ngư, nấm linh chi…
Với việc mỗi năm cung cấp ra thị trường cả nước khoảng 1.200 tấn nấm, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng, cách đây một năm, UBND tỉnh Đồng Nam đã có quyết định công nhận làng nghề nhằm giúp thương hiệu nấm Bàu Cối vươn xa hơn.
![]() |
HTX nấm Bảo Quang được kỳ vọng đưa thương hiệu nấm ở Bàu Cối vươn xa trong và ngoài nước (ảnh: Tư liệu) |
Sau khi có quyết định công nhận làng nghề, các nông dân trong xã Bảo Quang còn tham gia thành lập HTX nấm Bảo Quang nhằm củng cố cho thương hiệu nấm Bàu Cối, tạo nhãn hàng riêng, có chỉ dẫn địa lý, tìm đầu ra ổn định, tạo nền tảng cho nông dân tập trung làm nấm theo quy trình sản xuất sạch, đạt chuẩn VietGAP...
Hơn 6 năm nay tham gia vào nghề trồng nấm ở ấp Bàu Cối, ông Đặng Văn Năm cho biết khi tham gia vào HTX nấm Bảo Quang hồi năm ngoái, ông rất kỳ vọng sản phẩm nấm Bàu Cối có vị thế trên thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu vào những thị trường khó tính sau khi đã đạt được các tiêu chuẩn sản xuất sạch.
Hiện nay, nghề trống nấm không chỉ phát triển mạnh ở xã Bảo Quang mà còn tại các xã khác của Tp.Long Khánh và các huyện khác trong tỉnh Đồng Nai như Xuân Lộc, Long Khánh, Trảng Bom, Cầm Mỹ, Định Quán. Trong đó, nấm mèo chiếm khoảng 50%, còn lại là nấm rơm, nấm bào ngư, nấm sò…
Có không ít HTX đã in dấu ấn trong phát triển nghề trồng nấm ở Đồng Nai, nhất là trồng nấm theo công nghệ sạch. Đơn cử như HTX Nông nghiệp Xanh tại xã Lộc An, huyện Long Thành với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín từ nguồn bông vải sợi phế thải.
Mô hình trồng nấm của HTX này giúp nấm rơm giảm thiểu những tác động từ dịch bệnh, thời tiết. Người nông dân có thể tái sử dụng lại các chuồng trại chăn nuôi để làm nơi trồng nấm.
Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh là người tiên phong với mô hình trồng nấm rơm bằng bông vải trong nhà kín. Điều này giúp nấm rơm trồng được quanh năm thay vì chỉ 2 - 3 vụ mỗi năm và mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên.
Trồng nấm công nghệ GAP
Mô hình này, như chia sẻ của bà Liên, có ưu điểm là tiết kiệm diện tích đất, tận dụng được phế thải của ngành công nghiệp. Đất sau khi trồng nấm có thể xử lý làm phân bón cho các loại cây trồng hoặc trồng rau.
Sản phẩm của HTX đã tcó mặt ở hầu hết các vùng, miền trên cả nước và từng bước xâm nhập vào thị trường Campuchia. Giai đoạn cao điểm, HTX cung cấp cho thị trường 300kg nấm rơm tươi/ngày, 6-7 tấn nấm rơm giống/tháng.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai), thành công của mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín từ nguồn bông vải sợi là một trong những giải pháp để giải quyết việc làm hiện nay ở nông thôn, thu hút lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho nông dân.
![]() |
Nghề trồng nấm ở Đồng Nai cần hướng tới công nghệ sạch (ảnh: Tư liệu) |
Các sản phẩm nấm tươi của HTX Nông nghiệp xanh đang được tiêu thụ tại một số chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở Đồng Nai, Tp.HCM và xuất bán sang Campuchia. Không chỉ bán nấm tươi, HTX còn cung cấp giống cho các trang trại nấm rơm trong cả nước với sản lượng 6 - 7 tấn/tháng.
Thông qua mô hình này, HTX đã hướng dẫn cho các hộ nông dân trồng nấm một phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, hướng tới nghề trồng nấm theo mục tiêu bền vững.
Có thể thấy, việc trồng nấm cùng với mô hình kinh tế hợp tác đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân ở Đồng Nai. Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm trên thị trường vẫn còn phát triển ở quy mô nông hộ nhỏ và vừa.
Điều mong mỏi là với vai trò năng động của một số HTX trồng nấm sẽ giúp sản phẩm nấm Đồng Nai phát triển mạnh không chỉ với thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang những thị trường lớn trong tương lai. Vấn đề là cần có thêm những mô hình sản xuất nấm theo hướng GAP để sản xuất nấm sạch đạt chất lượng có quy mô công nghiệp.
Thanh Loan