Theo thống kê, thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới cuối 2022 đã đạt 208 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2018. Còn ở Việt Nam, theo khảo sát của Công Ty Nghiên Cứu Thị Trường Intage Việt Nam trong một dự án tại Hà Nội và TP HCM, cho thấy 73% người tiêu dùng sử dụng nông sản thực phẩm hữu cơ hoặc sản xuất trong môi trường tự nhiên, 59% thường xuyên chọn ngũ cốc, ăn rau xanh sử dụng hàng ngày.
Trụ vững trước sóng gió thị trường
Theo các chuyên gia, những con số trên cho thấy các HTX nếu có sản phẩm được nuôi trồng theo hướng hữu cơ, tự nhiên, thân thiện với môi trường sẽ có sức cạnh tranh trên thị trường lớn hơn, ít bị đào thải trên thị trường khốc liệt vì con người đang coi trọng yếu tố phát triển bền vững, sản xuất xanh cao hơn so với những năm trước.
Sản xuất xanh, bền vững hiện nay là xu hướng toàn cầu nên các HTX muốn thích ứng được với thị trường, muốn tồn tại và hợp tác lâu dài chắc chắn phải đồng hành cùng với xu hướng này.
Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, cho biết nhu cầu của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn, hữu cơ chính là động lực để HTX thay đổi mạnh mẽ, chuyển hướng sang sản xuất nhãn hữu cơ. Đây có lẽ cũng chính là điều kiện để xã hội, thị trường thiết lập lại các quy tắc trong tiêu dùng nông sản, thực phẩm, từng bước loại bỏ hàng hóa kém chất lượng và từng bước tạo điều kiện cho những mô hình sản xuất theo quy trình, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi được nhiều nông dân, HTX lựa chọn. |
“Nếu không sản xuất hữu cơ thì HTX chỉ có thể đứng nhìn những đơn vị khác sản xuất xanh, xuất nông sản đi và nông sản của HTX mãi có giá trị thấp và gặp áp lực mỗi vụ thu hoạch”, ông Miền chia sẻ.
TS. Từ Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, cho rằng sản xuất ra nông sản hữu cơ đã khó, bán nông sản hữu cơ cho ai còn là điều khó khăn hơn đối với người dân, HTX làm nông sản. Chính vì vậy, nhận thức và ý thức của người tiêu dùng thay đổi theo hướng tích cực có vai trò quan trọng quyết định đến hoạt động sản xuất cũng như sự thành công của các mô hình, dự án nông nghiệp hữu cơ.
Điều này đã được minh chứng ở nhiều nước trên thế giới khi người tiêu dùng ở các nước phát triển ưu tiên sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chú trọng chọn những cơ sở sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường, từ đó làm động lực cho sản xuất xanh, sản xuất bền vững ở các nước này phát triển.
Nhận thấy tín hiệu khởi sắc từ thị trường, nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ theo mục tiêu và định hướng cụ thể nhằm giúp người nông dân, thành viên HTX bắt nhịp thị trường. Như tại TP HCM, mới đây đã thành lập HTX Tam nông Việt Nam nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cao theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững, tạo niềm tin với người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm từ nông nghiệp.
Hay tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cũng vừa thành lập HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Tân Hà nhằm sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn. Hiện, HTX thu hút 286 thành viên liên kết sản xuất trên 280 ha cà phê, mắc ca, sầu riêng và các loại cây ăn quả. Dự kiến tổng giá trị nông sản thời kỳ kinh doanh được HTX thu mua các hộ thành viên hàng năm khoảng 38,7 tỷ đồng.
Không chỉ ở TP HCM, Lâm Đồng mà theo số liệu của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), hiện hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Việc nhiều HTX đã xuất khẩu nông sản sang các thị trường trên thế giới hoặc thanh lập và lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ chính là tín hiệu cho thấy, một khi các mô hình kinh tế tập thể thay đổi sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ tạo ra giá trị cao hơn cho chính nông sản đó và những người làm ra nông sản.
Hay nói cách khác, các HTX đang dần bỏ tư duy sản xuất theo số lượng sang nâng cao chất lượng nhằm khẳng định niềm tin với khách hàng, người tiêu dùng và định hình thị trường ở theo hướng lâu dài.
Cần hướng đi phù hợp
Theo thông tin từ Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, nhiều nước ở châu Âu đang hướng đến việc ít nhất 25% thực phẩm trong trường học sẽ phải là thực phẩm hữu cơ. Thậm chí ở Đức, hiện tại 100% thực phẩm cho các trường mầm non đã được chứng nhận Bio (chứng nhận do tổ chức Bio Cohérence cung cấp đối với các nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn).
Việc các trường học của các nước này đang hướng đến nâng cao tỷ lệ sử dụng nông sản, thực phẩm hữu cơ cho thấy, thị trường này rất tiềm năng. Các HTX nếu có kế hoạch và nhu cầu xuất khẩu nông sản hữu cơ sang châu Âu vừa giúp mở rộng thị trường, vừa giúp người dân, thành viên HTX Việt Nam hưởng lợi, vì làm nông nghiệp hữu cơ giúp họ tránh xa chất độc hại, tăng nhận thức trong lối sống lành mạnh.
Tuy nhiên theo TS. Từ Tuyết Nhung, thị trường nông nghiệp hữu cơ hiện nay rất lớn nhưng để xuất nông sản hữu cơ vào các trường học ở nước ngoài là điều không đơn giản vì mỗi thị trường yêu cầu một chứng nhận, quy định khác nhau. Hơn nữa thực phẩm hữu cơ vốn có giá cao nên không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng với doanh nghiệp mà còn đối với các các HTX, chủ trang trại vì đây là những thành phần chủ đạo trong nền nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian dài. Và làm sao để các HTX có thể lựa chọn hướng phát triển xanh, hữu cơ vừa phù hợp nội lực của HTX, vừa đáp ứng tiêu chuẩn bền vững mà các thị trường quốc tế đang theo đuổi thì không phải HTX nào cũng có thể làm được ngay.
Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho nông dân, HTX, các cơ quan quản lý cũng cần phải tạo điều kiện cho HTX sản xuất thử nghiệm thông qua việc hỗ trợ HTX tiếp cận thí điểm các chính sách mới về sản xuất bền vững nhằm tạo điều kiện tối đa cho các HTX bộc lộ khả năng, năng lực của mình. Từ đó cơ quan quản lý sẽ có thêm dữ liệu để định phương hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp một cách cụ thể.
Còn về phía các HTX, cũng cần có lộ trình rõ ràng cho chính mình. HTX phải nhận diện được mô hình sản xuất của các thành viên đang ở đâu, những việc gì cần làm. Đi liền với đó, nếu HTX xác định chuyển đổi hoặc sản xuất theo hướng bền vững ngay từ ban đầu cũng cần có mục tiêu, có kế hoạch để có những bước chuyển mình theo kịp xu thế toàn cầu.
Huyền Trang