Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2036. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về du lịch sẽ không hề nhỏ và cơ hội cho các HTX làm du lịch sẽ rất lớn.
Tận dụng lợi thế địa phương
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ KH&ĐT, cả nước hiện đã có gần 30.000 HTX, trong đó gần 19.000 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, không ít HTX có tiềm năng phát triển lĩnh vực nông nghiệp gắn với du lịch.
Một trong những mô hình tiêu biểu du lịch nông nghiệp hiện nay chính là ở Bắc Giang, khi địa phương này tận dụng lợi thế của cây vải vào mùa thu hoạch để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm. Đến nay, riêng huyện Lục Ngạn đã phát triển đến 30 HTX du lịch nông nghiệp nhằm khai thác thế mạnh địa phương.
Theo ông Trần Văn Hành, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp và thương mại, du lịch sinh thái Giáp Sơn (Lục Ngạn), đến nay địa phương đã có những cây vải thiều được trồng, phát triển hơn 30 năm và là loại cây trồng làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở huyện Lục Ngạn khi gắn kết với phát triển du lịch.
Không chỉ những HTX hoạt động lâu năm như ở Bắc Giang, hiện nay nhận thấy lợi thế của du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, nhiều địa phương đã thành lập các HTX du lịch nhằm phát huy thế mạnh địa phương, 'đón sóng' từ ngành công nghiệp không khói nhằm mang lại những đổi thay cho những vùng quê.
Đơn cử, ngày 13/6/2023, HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Lâm Thượng (Yên Bái) đã chính thức đi vào hoạt động nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc của các dân tộc đặc biệt là dân tộc Tày ở Lâm Thượng.
Làm du lịch từ canh tác vải đang là thế mạnh của nhiều HTX ở Bắc Giang. |
HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Lâm Thượng hứa hẹn sẽ thu hút và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước giúp người dân làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình.
Có thể thấy, mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng... đang được phát triển mạnh mẽ ở các địa phương với sự tham gia tích cực của các HTX. Hướng đi này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang là nước nông nghiệp với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn và cũng có đến 70% điểm du lịch đang phát triển ở nông thôn.
Hướng tới chuyên nghiệp hóa
Theo các chuyên gia, mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng được đầu tư, khai thác, quản lý thông qua các HTX, tổ hợp tác phù hợp với năng lực của người dân nông thôn hơn và có tính lan tỏa cao hơn.
Thực tế đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng do doanh nghiệp phát triển với tính chuyên nghiệp cao và quy mô rộng hơn. Tuy nhiên, so với mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng do HTX, tổ hợp tác quản lý và khai thác thì tính lan tỏa trong nâng cao đời sống, văn hóa của người dân trên địa bàn nông thôn do doanh nghiệp tổ chức lại không cao bằng.
Điều này có được là do bản chất của HTX hoạt động hướng đến lợi ích chung, đây là điểm khác biệt mà doanh nghiệp không có. Đặc biệt, mỗi HTX ở mỗi vùng miền khác nhau có thể xây dựng được các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng với rất nhiều hình thức khác nhau nên tạo được sự đa dạng nhưng vẫn giữ được điểm độc đáo của từng vùng miền nên thu hút được số lượng du khách ngày càng nhiều. Từ đó, các sản phẩm nông nghiệp và giá trị văn hóa của các vùng quê được lan tỏa rộng rãi.
Một khảo sát tại tỉnh Đồng Tháp cho thấy, hầu hết các hộ nông dân khi thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp đều có thu nhập tăng 30-40% so với việc họ chỉ đơn thuần làm nông nghiệp. Trong khi đó, nhờ phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với phát triển các HTX mà Trà Quế (Hội An) từ một vùng nông thôn nghèo, chỉ chuyên trồng rau nay đã trở nên giàu có.
Đặc biệt, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả nông nghiệp, du lịch, người dân vùng nông thôn. Sự kết hợp này góp phần giúp các HTX, các địa phương đa dạng hóa các hoạt động thương mại, mở rộng đầu ra cho đa dạng các loại nông sản. Vào những thời điểm trái mùa, không phải vụ thu hoạch, nếu có sự đầu tư phù hợp, sự có mặt của du khách sẽ giúp cải thiện thu nhập các trang trại, các HTX chuyên ngành.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, một trong những điểm chưa mạnh của các mô hình du lịch nông nghiệp là năng lực của người nông dân, thành viên vẫn còn hạn chế.
Ông Trần Văn Hành, cho biết hiện người dân, thành viên đã từng bước thành thạo trong quy trình làm nông nghiệp nhưng việc liên kết với doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch mới chỉ bắt đầu nên chắc chắn trong quá trình hợp tác, HTX sẽ phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch nông nghiệp được đánh giá là chưa đủ hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan. Điều này đến từ sự hạn chế về năng lực tiếp nhận khách tại điểm du lịch, cũng như đầu tư khu vực ăn uống, sinh hoạt. Chẳng hạn như các tổ hợp tác ở làng nghề đan lát Xuân Thới Thượng (TPHCM), tuy xuất khẩu nhiều sản phẩm ra nước ngoài nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, cơ quan quản lý cần có những định hướng cho người dân, thành viên HTX tham gia các hoạt động đào tạo du lịch. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên nông thôn, các HTX có thành viên trẻ cần tham gia các chương trình đào tạo nghề du lịch tại các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp sau đó quay trở về HTX, địa phương hỗ trợ người dân tại nơi họ sinh sống làm du lịch.
Ngoài ra, cần có sự đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm và dịch vụ phù hợp và tăng cường hợp tác giữa các đơn vị liên quan sẽ giúp các HTX du lịch thu hút du khách và mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.
Huyền Trang