Kết quả được Đoàn công tác của Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT và Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố sau khi khảo sát các hợp tác xã (HTX) tại Nam Định và Ninh Bình từ ngày 4/5/2023-6/5/2023.
Đoàn công tác khảo sát tại HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, Nình Bình. |
Tại thời điểm khảo sát, tỉnh Nam Định có 511 HTX, trong đó có 383 HTX nông nghiệp (chiếm 75%), 85 HTX phi nông nghiệp và 42 quỹ tín dụng nhân dân; tỉnh Ninh Bình có 2 liên hiệp HTX, 468 HTX.
Tổng hợp báo cáo của tỉnh Nam Định có 1 HTX có thành viên của HTX này góp vốn cùng với một số cá nhân bên ngoài để thành lập doanh nghiệp chủ yếu để chế biến, tiêu thụ sản phẩm của HTX làm ra; tỉnh Ninh Bình có 1 HTX nông nghiệp có một số thành viên của HTX này góp vốn để thành lập ra HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của thành viên HTX nông nghiệp.
“Hai mô hình này về bản chất không phải là việc thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp của các HTX. Mà bản chất là thành viên của HTX nông nghiệp tham gia thành lập doanh nghiệp, thành lập HTX để thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm”, Báo cáo cho biết.
Cụ thể, tại tỉnh Nam Định, Đoàn công tác dẫn chứng HTX Toàn Thắng, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu được thành lập năm 2016, có 17 thành viên là cá nhân góp vốn điều lệ (500 triệu đồng) và có 405 hộ gia đình liên kết sản xuất.
Năm 2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc của HTX Toàn Thắng cùng với Giám đốc công ty Ánh Dương và một số cá nhân góp vốn để thành lập Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Hải Hậu (mục đích ra đời của công ty chính là tổ chức sản xuất kinh doanh lúa gạo đặc sản Tám xoan, Nếp bắc, Bắc thơm, Tám thơm, ST25, Séng Cù...), theo quy trình hữu cơ trên diện tích 27,7 ha và cùng với HTX Toàn Thắng sản xuất, bao tiêu các sản phẩm của thành viên liên kết, bản chất công ty không phải là thành viên của HTX.
Đặc điểm của mô hình HTX - doanh nghiệp này là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX Toàn Thắng và cũng là giám đốc của doanh nghiệp và để hỗ trợ nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Đến nay, tổng vốn của mô hình HTX - doanh nghiệp này là 6,1 tỷ, được hoạch toán chung trên 1 hệ thống sổ sách, có hai kế toán: 1 của HTX và 1 của doanh nghiệp để đối chiếu. Cơ cấu nguồn vốn: vốn điều lệ của HTX là 500 triệu, của Công ty là 500 triệu; vốn lưu động của Công ty gồm 3 cá nhân góp là 3,4 tỷ, ngoài ra Công ty còn huy động vốn của một số thành viên góp vào để chia lãi hàng năm là 2,7 tỷ.
Doanh thu của HTX - doanh nghiệp năm 2022 là 12 tỷ, lợi nhuận của mô hình phân phối sau khi trừ chi phí hoạt động và trích lập vốn dự phòng số còn lại từ 600-700 triệu chia theo tỷ lệ vốn góp của các thành viên tham gia góp vốn trong mô hình HTX-doanh nghiệp.
Đặc điểm của mô hình này là hoạch toán chung, vì có doanh nghiệp song hành nhưng không phải là thành viên nên việc quyết định các phương án sản xuất-kinh doanh của mô hình thông qua doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không phải bàn bạc nhiều với thành viên nên rất linh hoạt trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy, hạn chế của HTX Toàn Thắng là mới thành lập lại sau khi giải thể nên đất đai, nhà cửa chưa có để hoạt động, hiện nay trụ sở đang mượn tạm một công trình của UBND xã.
Tại tỉnh Ninh Bình, Đoàn công tác 3 cơ quan trên cho biết, HTX nông nghiệp Vân Trà (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô) được thành lập năm 1959, đến nay đã được 64 năm, chuyên sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, HTX Vân Trà đã mạnh dạn đưa mô hình trồng cây rau má vào thay thế cho những diện tích trồng cây rau màu kém hiệu quả.
Sản phẩm thu hoạch đến đâu được thương lái đến tận ruộng thu mua tới đó, với giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sản lượng đạt 4-5 tạ/sào, trừ chi phí 1 năm cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng/sào. Bình quân mỗi hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng, có hộ diện tích lớn cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Do mô hình trồng cây rau má có nhiều hạn chế về thị trường đầu ra (còn phụ thuộc vào sức mua của thương lái), nên chưa có nhiều hộ được HTX lựa chọn tham gia mở rộng diện tích.
Để khắc phục và tiến tới chủ động đầu ra, các hộ trồng rau má đã được Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình hỗ trợ máy sấy, máy xay rau má thành bột và sản phẩm đã được đóng gói (đang thuê máy đóng gói), bảo quản và tiêu thụ được chủ động hơn trước đây, tiến tới có thể tìm nhà tiêu thụ và mở rộng diện tích trồng rau má. Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ thì phải thông qua mô hình HTX nên các hộ thành viên trồng rau má năm 2002 đã thành lập HTX rau, củ, quả Vân Trà để góp vốn đối ứng nhận hỗ trợ.
“Bản chất đây không phải là mô hình HTX trong HTX mà HTX rau, củ quả Vân Trà hoàn toàn độc lập với HTX nông nghiệp Vân trà. Chỉ có Chủ tịch Hội động quản trị kiêm giám đốc của hai HTX này là cùng một người và trong cùng lúc 2 HTX hoạt động song song với nhau”, Báo cáo cho biết.
Thy Lê