Hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu Đồng Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liệu) có 300/540 thành viên là người dân tộc thiểu số làm việc trên bãi nghêu ven biển. Ông Huỳnh Mừng Em, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Đồng Tiến, cho biết: “HTX nuôi nghêu Đồng Tiến hiện có gần 540 thành viên, hầu hết thành viên của HTX khi tham gia đều thuộc diện hộ nghèo, nên nhiều người xem đây là HTX của người nghèo".
'Kéo' đồng bào dân tộc ra khỏi đói nghèo
Qua một thời gian hoạt động, HTX nuôi nghêu Đồng Tiến đạt được những thành công nhất định, đến nay có người vẫn còn khó khăn, nhưng không có trường hợp nào là hộ nghèo. “Nhờ thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nên thành viên ai cũng xem HTX là nhà của mình, từ đó ra sức gìn giữ và phát triển thành công mô hình nuôi nghêu trên vùng đất bãi bồi”, ông Em chia sẻ.
HTX nuôi nghêu Đồng Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liệu) có 300/540 thành viên là người dân tộc thiểu số làm việc trên bãi nghêu ven biển. |
Được biết, trung bình mỗi lao động là thành viên tham gia thu hoạch nghêu của HTX Đồng Tiến có thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch nghêu cao điểm, thu nhập của lao động tăng lên từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Ngoài các hoạt động nuôi nghêu, ốc hương,... HTX Đồng Tiến đã mạnh dạn đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các loại hình dịch vụ, hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách, như: trải nghiệm thu hoạch nghêu, cửa hàng phục vụ ăn uống tại chỗ,... Đây không chỉ là mô hình phát triển HTX nông nghiệp gắn với du lịch, tăng thu nhập cho các thành viên HTX, mà còn góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp các hoạt động, loại hình dịch vụ du lịch sinh thái nông thôn, tạo việc làm cho lao động của địa phương và giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong và ngoài tỉnh biết đến sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Bạc Liêu.
Thống kê cho thấy, hiện tỉnh Bạc Liêu có 208 HTX, với 25.859 thành viên, vốn điều lệ 256.054 triệu đồng. Số HTX có thành viên người đồng bào dân tộc thiểu số là 16 HTX; số thành viên người đồng bào dân tộc thiểu số là 633 người. Số HTX có người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý là 7 HTX.
Trong 14 địa bàn xã, phường, thị trấn của tỉnh Bạc Liêu được công nhận là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ) thì có tới 13/14 xã, phường, thị trấn có từ 02-04 HTX hoạt động; đã góp phần không nhỏ trong nâng cao tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hộ thành viên, trong đó có nhiều thành viên là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, việc phát triển HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có những khó khăn chủ yếu như nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; chính sách dành cho người dân tộc thiểu số có nhưng còn chung, chưa dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong HTX…
Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới
Trước những khó khăn trên, các HTX của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bạc Liêu nói riêng cũng như cả nước rất cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành; nhất là về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT, HTX khu vực này phát triển.
Luật HTX sửa đổi năm 2012 cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các HTX của đồng bào dân tộc thiểu số. |
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, thu hút hàng triệu lao động. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới là hướng đi mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Khai thác lợi thế về điều kiện đất đai, sản phẩm đặc trưng, nhiều HTX tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thành lập, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò kinh tế tập thể ở địa bàn này rất cần trợ lực từ phía cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.
Trên thực tế, nếu có sự hỗ trợ đúng và trúng, các HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả rõ rệt. Đơn cử, tại tỉnh Bắc Giang, là xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang với 56% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân xã Hương Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế về địa hình, vài năm gần đây, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà thả đồi.
Để khai thác thế mạnh này, mở rộng diện tích trồng dứa và nuôi gà, tháng 7/2021, UBND xã Hương Sơn định hướng, hỗ trợ các hộ thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn và HTX Gà núi Hương Sơn. Tham gia HTX, các thành viên (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường.
Bà Vũ Thị Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn cho hay: “Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số phải chở từng chuyến dứa, mang từng lồng gà ra chợ bán thì nay thương nhân đến tận nhà thu mua. Nguyên liệu đầu vào cũng được các đối tác cung ứng, người dân hoàn trả sau khi thu hoạch sản phẩm”.
Lồng ghép chính sách hỗ trợ vào Luật HTX sửa đổi 2012
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, hiện số HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong tỉnh là gần 140 đơn vị, trong đó 50 đơn vị tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn với tổng vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng. Qua đánh giá, các HTX đã khai thác tốt lợi thế, phát triển ổn định và giữ được nghề truyền thống của đồng bào.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX còn thấp, chưa có sức lan tỏa, chưa tạo sự gắn kết cho thành viên và người dân. Nhiều HTX chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm.
Theo đó, trong Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ thành lập mới 5-10 HTX tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế, từng bước nâng cao thu nhập, người dân cũng cần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; năng động hơn, mạnh dạn hơn trong sản xuất".
Để thêm nguồn lực hỗ trợ, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh, Luật HTX sửa đổi năm 2012 cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Chính sách hỗ trợ trên nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững. Lồng ghép vào các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Thy Lê