Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến nay, cả nước có 1.200 QTDND, đa số các QTDND hoạt động ổn định, có tốc độ tăng trưởng và nguồn huy động tại chỗ khá cao. Hoạt động của QTDND đã có tác động tích cực trong việc cung ứng vốn, dịch vụ ngân hàng, góp phần cho việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Khó thu hút thành viên
Thông tư số 21/2019/TT-NHNN (Thông tư 21) do Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 để sửa đổi các thông tư như: Thông tư số 31/2012/TT-NHNN, số 04/2015/TT-NHNN, số 32/2015/TT-NHNN và số 03/2014/TT-NHNN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản liên quan đến vốn góp của thành viên, địa bàn hoạt động, nhân sự của TDND tại các địa phương.
Quỹ tín dụng nhân dân liên phường Phương Lâm - Đồng Tiến đang hỗ trợ người dân vay vốn để phục vụ phát triển kinh tế. |
Một trong những vấn đề được nhiều Quỹ phản ánh là trong thông tư này có quy định mức vốn góp xác định tư cách thành viên là 300 nghìn đồng/người, đồng thời, phải duy trì vốn góp thường niên tối thiểu 100 nghìn đồng/thành viên/năm. Qua thực hiện cho thấy, việc triển khai thu vốn góp thường niên của thành viên gặp nhiều khó khăn như mất nhiều thời gian và chi phí vì thành viên sau khi trả hết nợ cho Quỹ thường ít đến Quỹ nên gây khó khi thu.
Ngoài ra, thành viên khi hoàn thành các nghĩa vụ nợ với QTDND và không có nhu cầu sử dụng tiếp các dịch vụ tại QTDND có thể xin hoàn trả lại vốn góp. Điều này dẫn đến vốn điều lệ của QTDND luôn biến động trong một năm với biên độ biến động rất nhỏ, không làm thay đổi đáng kể quy mô về vốn.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đức Hiến, Giám đốc QTDND Sao Đỏ (Hải Dương) cho biết, Thông tư 21 ra đời đã hỗ trợ nhiều cho các QTDND trong quá trình hoạt động, nhưng thực tế đi vào thực thi vẫn còn một số bất cập cần được sửa đổi.
Cụ thể, ông Hiến cho rằng, cần bỏ mục 2 khoản 3 Điều 2 tại Thông tư 21/2019/TT-NHNN quy định: Quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu. Bởi điều này đi ngược lại khoản 2 Điều 36 tại Thông tư 04/2015 do yêu cầu QTDND nhận tiền gửi từ thành viên tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của Quỹ.
“Quy định này làm hạn chế khả năng huy động mọi nguồn lực của người dân trên địa bàn hoạt động gửi tiền vào QTDND, từ đó làm giảm uy tín của QTDND đối với thành viên và nhân dân”, ông Hiến chia sẻ.
Cũng gặp vướng mắc trong khi áp dụng Thông Tư 21, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch HĐQT QTDND Thanh Nê (Thái Bình) cho biết, khoản 15 Điều 2 tại Thông tư 21/2019 quy định về ghi nhận vốn góp và tư cách thành viên với nội dung: Người muốn góp vốn điều lệ nhưng phải chờ hết năm tài chính, sau khi đại hội thành viên thông qua danh sách mới được xác nhận đủ tư các thành viên cho người góp vốn.
“Điều này làm thành viên phải chờ khoảng gần một năm, sau khi QTDND tổ chức đại hội mới được gửi tiền và vay vốn của QTDND. Từ đó, gây khó khăn cho mở rộng thành viên và hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Vĩnh chia sẻ.
Can thiệp quá sâu vào bộ máy lãnh đạo
Không chỉ khó khăn trong việc thu hút thành viên, Thông tư 21 cũng đang gây khó khăn cho các QTDND về vấn đề nhân sự quản lý. Ông Nguyễn Quang Vĩnh cho biết, cần xem xét lại mục 3 khoản 7 và mục 4d khoản 10, Điều 2 tại Thông tư 21/2019. Vì trong đó quy định Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban kiểm soát của QTDND giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Điều này làm cho QTDND không sử dụng được những người có năng lực, uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động và gây khó khăn cho các QTDND đang hoạt động tốt.
“Thực tế ở nhiều xã có nghị quyết điều động và cử cán bộ đi tập huấn để về làm việc tại Quỹ. Song khi tập huấn về nhiều người không dám đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban kiểm soát của QTDND vì quá khó khăn”, ông Vĩnh nói.
Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Nê đã xây dựng được trụ sở hoạt động khang trang. |
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Tuyển, Giám đốc QTDND Lạc Tánh (Bình Thuận) cho biết, sự can thiệp vào đội ngũ cán bộ của QTDND mà không tính đến phương án tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và sự quản lý của lãnh đạo, chính quyền cơ sở cũng chính là kẽ hở làm ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND. Hoạt động tiền tệ đối với QTDND phải là những cán bộ làm việc có trình độ, trách nhiệm, cẩn thận, hiệu quả, chí công vô tư. Đã có những bài học thực tiễn về trẻ hóa cán bộ dẫn tới thiếu kinh nghiệm thực tiễn, làm liều, phớt lờ dư luận, bất chấp tất cả.
“Nên chăng cần xem xét tình hình bộ máy quản lý thực tế của từng Quỹ để áp dụng quy định này một cách phù hợp, tránh gây mất đoàn kết nội bộ, đảo lộn quy trình hoạt động”, bà Tuyển kiến nghị.
Theo các chuyên gia, trong số các loại hình tổ chức tín dụng, QTDND đang là mô hình có tỷ suất sinh lời dẫn đầu hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu cũng thấp nhất trong hệ thống, chỉ dưới 1%. Lãi suất cho vay tại các QTDND tuy cao hơn ngân hàng nhưng vẫn thấp hơn nhiều nếu so với các dịch vụ cầm đồ hay tín dụng đen. Do đó, mô hình QTDND được NHNN cho là cách thức tốt để hạn chế tín dụng đen trong nông thôn.
Về bản chất, QTDND là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động. QTDND thực hiện mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và của từng thành viên, giúp nhau thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ cải thiện đời sống.
Thế nhưng, qua thực tế hoạt động của QTDND, có thể thấy hệ thống chính sách cho đối tượng này vẫn còn nhiều bất cập. Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm ban hành các Thông tư điều chỉnh hoạt động QTDND sao cho phù hợp với thực tế, tránh gây khó cho các Quỹ. Bên cạnh đó, các văn bản cũng cần được nghiên cứu kỹ trước khi ban hành, từ đó tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các QTDND phát triển hiệu quả và bền vững.
Huyền Trang