Ngoài nuôi cá dứa, nuôi tôm công nghệ cao, HTX Thuận Yến (TP. HCM) còn đầu tư 2 nhà nuôi yến và xây dựng thành công thương hiệu “Yến sào Thuận Yến” trên cơ sở tổ chức gia công, chế biến cho sản phẩm là tổ yến thô của các thành viên. HTX cũng tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua Hiệp hội nghề yến.
Vướng mắc về nhà nuôi yến
Việc mở rộng sang nuôi yến giúp HTX tăng doanh thu, lợi nhuận. Năm 2021 sản lượng tiêu thụ yến của HTX là 83 kg, doanh thu 3,05 tỷ đồng. Năm 2022, sản lượng tiêu thụ: 73,289 kg, thu về 2,703 tỷ đồng. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ yến của HTX là khoảng 73,302 kg, mang về nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng.
Có thể thấy, nuôi yến cho doanh thu không nhỏ. Nghề này cũng đang thu hút không ít HTX tham gia như: HTX Thương mại Gò Công (Tiền Giang), HTX Cần Giờ Tương Lai (TP. HCM), HTX sản xuất yến sào Huân Hào (Ninh Bình)…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nhiệm, Giám đốc HTX Thuận Yến, không phải nơi nào cho phép xây dựng nhà yến thì nơi đó sẽ có chim yến đến.
Nghề nuôi yến cho giá trị kinh tế cao nhưng rủi ro cũng không ít. |
Kể ra điều này để thấy, một trong những nút thắt hiện nay trong nuôi yến chính là vị trí xây dựng nhà yến. Tại Nghị định 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có quy định: “nhà yến là công trình xây dựng mới hoặc cải tạo để nuôi chim yến”, tức nhà nuôi yến là công trình phục vụ chăn nuôi.
Bà V.T.T, Giám đốc một HTX Nông nghiệp Thương mại dịch vụ yến sào D.T (Bình Dương), cho rằng Luật Chăn nuôi quy định là vậy, nhưng khi xây dựng nhà nuôi yến trên đất nông nghiệp rất khó khăn vì trái với quy định của Luật Đất đai không cho xây dựng bất cứ công trình nào trên đất nông nghiệp.
Và mặc dù mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản pháp luật tạo điều kiện cho việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp nhưng đối với Bộ Tư pháp thì điều này là hoàn toàn không thể.
Chính vì những bất cập đó mà theo bà V.T.T, nhiều HTX, nông dân buộc phải lấy đất thổ cư trong khu dân cư để xin phép xây dựng nhà, sau đó chuyển đổi thành nhà nuôi yến. Nhưng chính việc này cũng là sai quy định pháp luật vì không đúng mục đích sử dụng đất.
Từ đây, nhiều HTX rơi vào tình cảnh không dám mạnh dạn đầu tư vì nghề nuôi yến trong khu dân cư có thể gây ra những bất cập về ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh…, nên nhà nuôi yến phải đáp ứng hàng loạt các quy định khắt khe của Nhà nước và địa phương, nếu không sẽ phải dừng hoạt động, hoặc di dời ra khu vực mới theo quy hoạch.
Đó là chưa kể, nhiều địa phương hiện vẫn chưa có hoặc có nhưng chưa rõ ràng về quy hoạch diện tích đất nuôi yến nên nếu HTX phải di dời nhà yến cũng không an tâm. Bởi, nuôi yến đầu tư ban đầu rất lớn. Trước đây, người nuôi có thể thu hồi vốn trong 2-3 năm thì nay có nhiều người nuôi, quá trình thu hồi vốn có thể kéo dài từ 5 -10 năm. Việc quy hoạch vùng nuôi mới là không hề đơn giản vì không phải vùng đất mới nào thì yến cũng về làm tổ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của HTX.
TP. HCM là một trong những địa phương đang phát triển mạnh nghề nuôi yến từ năm 2008, nhưng đến nay cũng mới đang trong quá trình hoàn thiện đề án nuôi chim yến giai đoạn 2024-2030 để trình UBND và HĐND thành phố. Như vậy, những khó khăn trong nuôi yến đối với nông dân, HTX vẫn hiện hữu.
Mong sớm có chính sách rõ ràng
Tổ yến sào Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020, sản lượng yến của Việt Nam dự kiến đạt 350-400 tấn, với giá trị khoảng 1 tỷ USD.
Nhưng song song với những giá trị kinh tế thu về thì việc xuất khẩu yến cũng phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm từ nhà nuôi, nhà xưởng sơ chế chế biến, trang thiết bị, lao động, quy trình sản xuất theo quy định của Trung Quốc.
Nhưng do các luật liên quan còn chồng chéo nên việc xin phép xây nhà ở rồi chuyển công năng sang nuôi yến gây nhiều bất cập trong quá trình phát triển theo hướng bền vững, nhất là khi HTX muốn tham gia xuất khẩu chính ngạch.
Đặc biệt, khi việc sử dụng nhà nuôi yến không đúng công năng khiến HTX khó xây dựng mã số xuất khẩu, trong khi đây là yêu cầu bắt buộc trong xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhà yến thường có chi phí đầu tư lớn, khi nuôi không đúng chức năng theo giấy phép thì thành viên HTX cũng không thể tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng, đầu tư.
Ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cho biết khi muốn xuất khẩu, các nhà yến phải được xây dựng, thiết kế theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Danh sách các cơ sở nuôi yến phải được gửi sang Trung Quốc kèm với hồ sơ đánh giá quy trình sản xuất yến. Khi phía Trung Quốc kiểm tra, đồng ý cho xuất khẩu thì tổ yến mới được xuất đi.
Hiện nay, việc quản lý sản phẩm, nhà yến do Cục Chăn nuôi quản lý, còn công đoạn xuất khẩu, quản lý dịch bệnh, sơ chế lại do Cục Thú y quản lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà yến đến phát triển nghề này liên quan đến nhiều Bộ như: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, nhưng các Bộ này vẫn chưa chính thức ban hành hướng dẫn cấp phép xây dựng, đất đai, môi trường đối với nhà nuôi yến.
Điều này không chỉ khiến các địa phương khó có căn cứ xây dựng quy định trong quản lý nuôi yến mà còn khiến các HTX hoang mang, lo lắng, không yên tâm đầu tư phát triển hoặc di dời.
Do đó, theo các chuyên gia, cần xem xét các quy định pháp luật để nhanh chóng có quy định hướng dẫn chi tiết về đất đai, môi trường, nhà nuôi yến, thậm chí cả những quy định về sơ chế, bảo quản… để người dân, HTX thuận lợi trong đầu tư, áp dụng.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ (Gia Lai) cho biết, nghề nuôi chim yến hiện nay bị quản lý bởi rất nhiều quy định từ Luật Xây dựng, Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai. Trong khi không phải quy định nào cũng rõ ràng, thuận lợi trong áp dụng, triển khai trong thực tiễn. Do đó, khi có các quy định về đất đai, môi trường, nhà nuôi yến… cũng cần phải hết sức cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho HTX trong quá trình áp dụng.
Huyền Trang