Hiệu quả cao nhờ liên kết
Cách đây vừa tròn 1 năm, ngày 1/6/2019, 12 HTX tại huyện Hải Lăng đã cùng nhau thành lập Liên hiệp HTX nông sản an toàn, địa chỉ tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để liên kết với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra nông sản sạch.
Lúa chất lượng cao ở huyện Hải Lăng thu hút sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành tỉnh Quảng Trị (Ảnh:TL) |
Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết, chỉ sau một thời gian ngắn thành lập và đi vào hoạt động, mô hình liên kết đã mang lại hiệu quả cả ba mặt kinh tế, xã hội, môi trường và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể. Nhờ có chất lượng tốt nên hiện nay gạo Hải Lăng đã có mặt rộng rãi trên thị trường, được người tiêu dùng ưa thích. Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các HTX mở rộng diện tích lúa chất lượng cao lên 8.290,5 ha, tích tụ ruộng đất được 14,1 ha, xây dựng cánh đồng lớn 1.364 ha, diện tích tối thiểu 20 ha/cánh đồng.
“Đối với vùng cát, HTX và người dân lựa chọn các loại cây trồng phù hợp và đến nay đưa vào sản xuất một số cây chủ lực mang lại thu nhập cao như lạc, ớt, mướp đắng. Nhờ vậy, dù khó khăn do dịch bệnh nhưng giá trị sản xuất đất canh tác 1 ha vụ lúa Đông - Xuân năm 2019 - 2020 đạt 46,5 triệu đồng, tăng hơn 7,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước”, ông Dương Viết Hải cho biết.
Ở nhiều huyện khác của tỉnh Quảng Trị, các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Ông Hoàng Đình Anh, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Giang 2, thành phố Đông Hà chia sẻ, cùng với hoàn thành dồn điền, đổi thửa, sử dụng các loại giống mới vào sản xuất, thâm canh cây lúa cho năng suất cao, HTX đã khuyến khích các hộ gia đình tận dụng đất vườn trồng các loại rau màu có giá trị cung cấp cho thị trường, đem lại thu nhập mỗi ha từ 120 đến 150 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, tại huyện Hướng Hóa, mấy năm trở lại đây đã xuất hiện một số HTX tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị kinh tế các loại sản phẩm chủ lực của địa phương. Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây Bắc Hướng Hóa nêu kinh nghiệm, để đưa hương vị đặc trưng của cà phê của địa phương đến với mọi miền đất nước và xuất khẩu, tháng 3/2018, HTX được thành lập gồm 14 thành viên, có sự tham gia của Doanh nghiệp Shin Coffee với tư cách thành viên đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm, cam kết thu mua cà phê quả tươi với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 2.000 đồng/kg. Nhờ tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm thân thiện với môi trường, được các ngành chức năng kiểm định, cấp mã vạch, công bố chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây Bắc Hướng Hóa giới thiệu sản phẩm cà phê của HTX với các doanh nghiệp quan tâm tại hội chợ thương mai (Ảnh:TL) |
“Hiện tại HTX đang tiếp tục tìm chọn, đưa vào thử nghiệm trồng các giống cà phê mới và sản xuất theo hướng hữu cơ để thay thế dần giống cà phê đang ngày một già cỗi, thoái hóa”, ông Lê Đình Phức cho biết thêm.
Tích cực hỗ trợ HTX kiểu mới
Có thể nói, ngoài việc đảm nhận các khâu dịch vụ, trong những năm gần đây, nhiều HTX đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, thay đổi hình thức sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Quá trình phát triển, hầu hết HTX đã bảo toàn được nguồn vốn, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho các thành viên, có nguồn tích lũy và tham gia đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phát triển mô hình trồng cây chanh leo của các HTX tại huyện Hướng Hoá góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương nhanh, bền vững (Ảnh:TL) |
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị Cáp Kim Thánh nhấn mạnh, Quảng Trị đang tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất còn gặp không ít khó khăn, nhất là yêu cầu các xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết ổn định.
Trong khi đó, tại huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa nhiều nơi chưa có HTX nông nghiệp và phần lớn các HTX còn hạn chế về nguồn vốn, năng lực quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu, số HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp còn ít. Chính vì vậy, Liên minh HTX tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX đổi mới phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ từ truyền thống sang làm đầu mối liên kết nhiều nhà, cốt lõi là nhà khoa học, nhà doanh nghiệp nhằm giúp nhà nông tăng năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị các sản phẩm và tiêu thụ được nông sản hàng hóa làm ra.
“Để nâng cao năng lực cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị kiến nghị với các cấp, các ngành có cơ chế bảo lãnh vay vốn thông qua nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ sau đầu tư để các HTX tiếp cận được các nguồn tín dụng. Đồng thời, khuyến khích thành lập và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới cũng như có chính sách riêng để phát triển HTX tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị Cáp Kim Thánh nêu giải pháp.
Bá Thuần