Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam (VCA) Nguyễn Ngọc Bảo, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, trong đó có 16.012 HTX nông nghiệp. Thời gian qua, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX đã từng bước được nâng lên và cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu và chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị HTX trong xu thế hội nhập hiện nay nên hậu quả sẽ thiếu tính bền vững.
Chủ động tham gia khoá đào tạo
Do chưa được qua lớp đào tạo cho giám đốc hay quản trị HTX, cũng không được học đại học, cao đẳng hay trung cấp nào nên ông Trần Văn Tuấn, giám đốc HTX Thanh long Hội quán, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp sử dụng kinh nghiệm của một nhà nông thực thụ để quản trị HTX.
Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc HTX thanh long hội quán ở Đồng Tháp (phải), một trong những học viên lớn tuổi đăng ký tham gia lớp học (Ảnh:TL) |
Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011 đến nay, HTX Thanh Long hội quán đã liên kết với 45 thành viên, 25 ha sản xuất thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP. Quá trình sản xuất, các thành viên luôn kết nối chặt chẽ và thống nhất cao về quan điểm cũng như quy trình. Các thành viên cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ nhau về kỹ thuật, cách chăm sóc cho ra trái theo yêu cầu của thị trường.
Vì chưa được đào tạo nên quá trình quản trị HTX, bản thân ông Tuấn gặp không ít khó khăn, hạn chế, dù đã có sự hỗ trợ tích cực của kế toán HTX. Do vậy, khi có thông tin về việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mở lớp đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp, thời gian 3 tháng bắt đầu khai giảng ngày 6/7/2020 ở TP.Hồ Chí Minh với các kỹ năng, kiến thức nền tảng về luật HTX, về cách thức tổ chức sao cho đúng, quản lý tài chính, xây dựng phương án sản xuất, cách huy động cộng đồng tham gia... Ông Tuấn lập tức đăng ký đi học ngay.
Theo tìm hiểu, quá trình học, các học viên còn được thực hành tại các HTX nông nghiệp để rút ra bài học về những điểm mạnh, điểm yếu trong cách thức vận hành. Sau khi học xong, học viên còn được cấp chứng chỉ và cũng có thể đi xin việc ở các HTX hoặc tự xây dựng HTX trên chính quê hương nên ông Tuấn cùng hơn 100 thành viên khác là giám đốc các HTX đã đăng ký tham gia.
Ông Tuấn cho biết: "Được tham dự khóa học là cơ hội để nắm vững hơn về kiến thức và đặc biệt giúp giải quyết những tình huống thực tế trong quản trị HTX hiện nay".
Theo ông Đinh Công Tiến, Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2, nơi được Bộ lựa chọn để mở lớp đào tạo lớp giám đốc HTX cho biết, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo HTX là có thật và nhu cầu rất lớn hiện nay. Ngoài lý thuyết, chương trình sẽ tăng cường các hoạt động đối thoại, giao lưu thực tế để giảm bớt tính lý luận.
“Khóa học được vận hành với sự tham gia của đội ngũ giảng viên trong các trường nghề và chính các học viên đang là giám đốc HTX sẽ giúp cho các thành viên vừa nắm được kiến thức về lý thuyết, vừa có kiến thực thực tiễn. Đặc biệt, việc đích thân Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam trực tiếp giảng dạy đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với khu vực HTX và vùng nông nghiệp, nông thôn", ông Tiến nói.
Nâng cao năng lực quản trị
Trở lại với câu chuyện mà ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch VCA đề cập ở phần đầu cho thấy, đội ngũ giám đốc các HTX hiện nay có trình độ rất đa dạng, thậm chí chỉ đi lên từ kinh nghiệm thực tế. Câu chuyện của ông Trần Văn Tuấn, giám đốc HTX Thanh long Hội quán chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện hiện nay trong khu vực KTHT, HTX...
Nhiều giám đốc thiếu kiến thức nền tảng để quản trị HTX trong khi HTX có cách thức hoạt động không khác mấy so với doanh nghiệp. Hiện tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo từ sơ cấp đến đại học đạt 65%, trong đó trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 18%, vẫn còn 35% số cán bộ quản lý các HTX chưa qua đào tạo bằng cấp, chuyên môn nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao.
"Do vậy, nhu cầu nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo HTX là có thật và rất cấp bách" ông Bảo nhấn mạnh.
Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp (Ảnh: TL) |
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX... Những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong HĐQT, ban giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ kiểm soát và cán bộ nghiệp vụ của HTX.
Theo kế hoạch dự kiến, giai đoạn từ 2021 - 2025, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong HĐQT, ban giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ kiểm soát và cán bộ nghiệp vụ của các HTX. Giai đoạn này dự kiến tổ chức 335 lớp bồi dưỡng với tổng số hơn 18.000 lượt học viên là cán bộ chủ chốt HTX. Đào tạo hệ cao đẳng là 2.850 người, trung cấp là 2.350 người và đào tạo nghề cho 817 học viên là người khuyết tật.
Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng để giúp các HTX vươn lên, phát triển bền vững trong thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Phạm Duy