Vườn lan mokara của hộ anh Bùi Văn Cường tại xã Phước Hiệp là một trong những điển hình tiêu biểu về thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn huyện Củ Chi.
Hướng đi đúng đắn
Cách đây 3 năm, thực hiện chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Tp.HCM, anh Cường đã mạnh dạn vay vốn trồng lan Mokara và được hỗ trợ lãi vay.
Hiện nay, với 120.000 gốc lan trong vườn, mỗi tuần trung bình anh cắt khoảng 17.500 cành, với nhiều loại giá khác nhau. Tính thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí, anh lãi 150 triệu đồng/tháng.
Phước Hiệp chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao (ảnh:TL) |
Không chỉ với hộ anh Cường, nhiều hộ dân và các mô hình kinh tế nông nghiệp khác ở xã Phước Hiệp đã gặt hái nhiều thành công nhờ vào việc chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao.
Mới đây, UBND Tp.HCM đã công nhận xã Phước Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Hơn một năm trước, Phước Hiệp đã đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có thể kể đến các tiêu chí như: Nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản; nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi và cải tạo các tuyến kênh nội đồng đảm bảo tốt cho phục vụ sản xuất của người dân.
Và nhất là tiêu chí chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh..., đã góp phần rất lớn cho thành quả mới của xã Phước Hiệp.
Từ chỗ chỉ sản xuất lúa và đậu phộng (lạc) là chủ yếu, đến nay, Phước Hiệp đã phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò sữa…
Toàn xã Phước Hiệp hiện có đàn bò sữa gần 1.250 con, trong đó, hơn 540 con đang cho sữa; diện tích trồng hoa lan 14 ha; trồng bưởi da xanh 100 ha và đàn heo duy trì ở mức 6.000 con.
Ðể bảo đảm đầu ra cho nông sản, Phước Hiệp đã thành lập ba tổ hợp tác trồng các loại cây như bắp, lúa, ớt và một câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường.
Trên địa bàn xã đã xuất hiện những mô hình làm ăn hiệu quả như trồng bưởi da xanh tại ấp Trung Viết; nuôi cá trê bột lai tại ấp Trại Ðèn và mô hình nuôi cá lóc thương phẩm, chế biến thành khô xuất khẩu. Hoặc như HTX thuỷ sản Tương Lai đang sử dụng 13,5 ha mặt nước nuôi các loại cá kiểng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và sản xuất cá giống.
Rạng danh HTX cá cảnh
Và thêm một mô hình kinh tế nổi bật trong xã Phước Hiệp chính là HTX sinh vật cảnh Sài Gòn ở tổ 7, ấp Cây Trôm. Nhờ có chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cá cảnh hoạt động hiệu quả, HTX này đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/tháng, trung bình xuất 700.000 con/tháng. HTX mang lại thu nhập ổn định cho thành viên HTX trung bình từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, HTX cũng tạo thêm việc làm cho hơn 60 lao động địa phương với mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Qua việc triển khai sản xuất - phát triển theo hướng liên kết chuỗi, HTX sinh vật cảnh Sài Gòn đã đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX. Có thể khẳng định, đó là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn xã Phước Hiệp.
Cá cảnh của HTX sinh vật cảnh Sài Gòn đã vươn ra thị trường thế giới (ảnh:TL) |
Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc HTX sinh vật cảnh Sài Gòn, cho biết các chủng loại cá cảnh của HTX sản xuất đã xuất khẩu tới các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hiện nay, HTX này đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ thành viên như: Cung cấp vật tư, giống; Hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá cảnh; nhập khẩu giống cá mới về thuần dưỡng và cung cấp cho các thành viên; Hỗ trợ các thành viên tiêu thụ cá cảnh.
Cùng với chủ trương của UBND Tp.HCM khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ, HTX sinh vật cảnh Sài Gòn đang đi đúng hướng khi phát triển trọng tâm theo mô hình chuỗi liên kết, góp phần giúp cho bộ mặt nông thôn mới nâng cao ở Phước Hiệp thay đổi từng ngày.
Thanh Loan