Cách đây không lâu, từ suy nghĩ đơn thuần giúp “giải cứu” dưa hấu và thanh long do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, một chủ doanh nghiệp (DN) trẻ ở làng nghề Bánh tráng truyền thống xã Phú Hoà Đông (huyện Củ Chi, Tp.HCM) đã cho “ra lò” thành công loại bánh tráng thanh long và bún dưa hấu mới lạ.
Thêm “làn gió mới”
Hai sản phẩm mới này khi được xuất khẩu (XK) chào hàng sang thị trường lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc đã được người tiêu dùng đón nhận ngay, thậm chí là “ghiền” nhờ loại bánh vừa có vị khác lạ, vừa ngon, hợp khẩu vị.
Làng nghề Bánh tráng Phú Hoà Đông (nằm cách trung tâm Tp.HCM gần 40 km) với tuổi đời hơn 100 năm càng thêm hãnh diện với dòng sản phẩm mới có tính sáng tạo và vừa có giá trị tích cực trong việc giúp “giải cứu” nông sản giữa mùa dịch Covid-19 đầy khó khăn này.
Làng nghề này nằm cạnh sông Sài Gòn với nguồn nước ngọt quanh năm cộng với đôi bàn tay khéo léo mà người dân đã tạo ra những chiếc bánh tráng rất đặc trưng.
Với khoảng 100 lò tráng thủ công, mỗi ngày làng nghề làm ra 40 tấn bánh, trong đó 2/3 sản lượng được XK. Làng nghề giải quyết việc làm cho từ 5.000 – 6.000 lao động trong toàn huyện với thu nhập cao hơn lao động nông nghiệp thuần từ 1,4 - 3,6 lần.
Đây là một trong 6 làng nghề truyền thống được Tp.HCM lựa chọn để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong thời gian qua. Đáng tự hào là thương hiệu Bánh tráng Phú Hòa Đông đến nay không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn XK vươn xa đến hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Đông đảo khách nước ngoài tham quan làng nghề Bánh tráng Phú Hoà Đông (Ảnh: Tư liệu) |
Ngay cả từ khóa “Bánh tráng Phú Hòa Đông” cũng trở nên phổ biến trên mạng xã hội như Youtube, Facebook và một số website. Những người quan tâm đến thương hiệu của làng nghề này khi truy cập trên mạng Internet sẽ dễ dàng tìm thấy với nhiều thông tin cung cấp cho người xem từ quá trình chọn nguyên liệu, tráng bánh và đóng gói thành phẩm.
Các khách du lịch nước ngoài ngày càng biết đến làng nghề này nhiều hơn. Các chuyến xe chở du khách vào thăm làng nghề càng trở nên nhộn nhịp khi khách đến tham quan các lò tráng bánh, rồi dùng thử bánh tráng và mua về làm quà.
Nhưng để có thêm “làn gió mới” của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thì làng nghề đang nên có thêm những cửa hàng trưng bày sản phẩm, trưng bày những hiện vật về nghề tráng bánh. Ngoài ra, có thể thành lập tour du lịch xanh dọc sông Sài Gòn trên địa bàn huỵện Củ Chi từ tuyến Vườn sinh thái Trung An đến làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông và địa đạo Bến Đình, Bến Dược…
Đưa công nghệ vào làng nghề
Và nói đến làng nghề này không thể không nhắc đến vai trò lớn của HTX làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông với bề dày hoạt động 14 năm nay. Đây là nhà cung cấp xuyên suốt sản phẩm bánh tráng cho Saigon Co.op trong thời gian qua, trong đó có bánh tráng chả giò và bánh tráng mỏng được sản xuất độc quyền cho hệ thống siêu thị này.
Với 10 lò tráng bánh và 18 xã viên, sản phẩm của HTX phần lớn được làm ra để phục vụ cho hoạt động XK. Riêng thị trường bán lẻ nội địa, mỗi tháng HTX này cung cấp khoảng 15 tấn sản phẩm bánh tráng.
Trong chiến lược phát triển lâu dài, theo ông Lê Thế Khải, Giám đốc HTX làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông, rất cần sự nỗ lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất của các thành viên HTX.
Bên cạnh đó, HTX cũng luôn đặt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu khi lắp đặt sân phơi có màng nhựa để tránh mưa, bụi. Ngoài ra, HTX còn hướng đến việc đầu tư hiện đại công nghệ bảo quản, đóng gói sản phẩm, mẫu mã, cũng như lắp đặt hệ thống băng tải chuyển bánh ra sân phơi để giảm chi phí lao động.
Làng nghề đang hướng đến việc đưa công nghệ vào sản xuất (ảnh: Tư liệu) |
Trở lại câu chuyện về sản phẩm mới là bánh tráng thanh long, có thể thấy đang có sự kế thừa và giao thoa giữa thế hệ trẻ, sáng tạo với những người thợ làm bánh truyền thống lâu năm ở làng nghề này.
Thực tế cho thấy, làng nghề bánh tráng truyền thống vốn cưu mang hàng ngàn hộ dân nhưng đã từng trải qua không ít quãng thời gian thăng trầm như nguyên liệu biến động, áp lực cạnh tranh thị trường.
Áp lực càng lớn nếu như dù có tiếng vươn xa ra thị trường quốc tế nhưng làng nghề vẫn chỉ ở quy mô nhỏ và chậm áp dụng công nghệ mới vào khâu sản xuất cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao ở những thị trường XK khó tính.
Để nghề bánh tránh truyền thống Phú Hoà Đông có thêm sức sống mới, HTX làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông mong rằng trong khâu chính sách cần có những ưu đãi về thuế, về vốn vay đối với các hộ làm bánh tráng ở đây.
Và để thương hiệu “Bánh tráng Phú Hoà Đông” tiếp tục vươn xa, trở thành nơi cung cấp bánh tráng hàng đầu Việt Nam và cả thế giới rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc làng nghề nông thôn.
Thanh Loan