Cả tỉnh Phú Thọ có 421 HTX với hơn 103 nghìn thành viên, đang hoạt động trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, vận tải, xây dựng, môi trường, điện năng, quỹ TDND… Từ năm 2003 đến 2018, THT của tỉnh Phú Thọ tăng từ 1.081 lên 1.429 THT với 5.276 thành viên.
Chuỗi giá trị được quan tâm
Bức tranh kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Phú Thọ có sự khởi sắc rõ rệt, nhất là trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác đều có những điển hình về phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, như HTX Dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại, HTX Dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn Tứ Xã (huyện Lâm Thao); HTX An Phú (xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn); HTX mì gạo Hùng Lô, Quỹ TDND Hùng Lô (Tp.Việt Trì); HTX Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh (xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê)…
Trong số 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018 được UBND tỉnh công nhận, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã có sản phẩm của HTX Chè Long Cốc (huyện Tân Sơn), HTX Thịt chua Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn), HTX Sản xuất gạo nếp Gà Gáy (xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập…
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện đã triển khai 23 chuỗi cung ứng thực phẩm rau, gia súc, gia cầm, thủy sản, chè an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, 47 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn đã được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi với các doanh nghiệp lớn trong nước. Các HTX là nhân tố tích cực tham gia vào các chuỗi cung ứng thực phẩm trên.
Công nhân đang sơ chế, phân loại thực phẩm tại HTX Dịch vụ Tứ Xã huyện Lâm Thao |
Tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị đã giúp nông dân, thành viên HTX định hướng sản xuất theo kế hoạch, bám sát nhu cầu thị trường tiêu thụ. Việc tham gia chuỗi liên kết cũng giúp nhà phân phối ổn định được giá và sản lượng đầu vào, kiểm soát được chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Từ đó nâng cao uy tín, mở rộng thị trường và qui mô thương mại…
Những nhân tố tiêu biểu
HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc (huyện Hạ Hòa) là đơn vị trực tiếp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản gồm: Rau, hoa quả, gà, lợn. HTX thực hiện liên kết các nông hộ và các trang trại chăn nuôi tuân thủ quy trình sản xuất an toàn sinh học, hình thành chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm sạch tới người tiêu dùng. Hiện nay, HTX có 50 hộ sản xuất với diện tích canh tác rau của các hộ trong chuỗi liên kết khoảng trên 2ha, cây ăn quả 6ha, gà khoảng 8.000 con, lợn trên 1.000 con.
Ông Bạch Đức Vượng - Thành viên HTX Xuân Phúc cho biết: Tham gia cung ứng rau an toàn theo chuỗi, chúng tôi đảm bảo sản xuất an toàn, chọn giống có nguồn gốc, chống chịu sâu bệnh và sạch bệnh, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh. Chúng tôi chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết với liều lượng vừa và đủ, cách ly trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày. Để bảo đảm cân đối cung - cầu, tổ chủ động phân bố cơ cấu mỗi loại rau, củ, quả, thời vụ hợp lý, nhờ vậy, sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi, bước đầu tạo sự chuyển biến, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Bên cạnh chuỗi cung cấp nông sản an toàn huyện Hạ Hòa thì chuỗi cung ứng thịt gà an toàn của HTX Nông nghiệp An Phú xã Địch Quả (huyện Thanh Sơn) khá phát triển. Thành lập năm 2016, HTX đã kết nối các hộ chăn nuôi với nhau để xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Hiện tại HTX có trên 20 thành viên, duy trì tổng đàn trên 100.000 con/lứa.
Ông Phạm Quốc Tuân - Giám đốc HTX cho biết: HTX áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ trong chăn nuôi gà, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh phù hợp trong suốt quá trình chăn nuôi. HTX liên kết các hộ để tiêu thụ sản phẩm cho các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Với giá bán bình quân khoảng 75.000 đồng/kg thì cho lợi nhuận khoảng 20.000 đồng/kg. HTX đã triển khai đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho gà để xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Để tiếp tục phát huy tối đa các lợi thế, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch Xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, đến năm 2020, các huyện trên địa bàn tỉnh phải hình thành ít nhất 1 điểm kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; riêng thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ hình thành 2 điểm phục vụ, đưa các sản phẩm đảm bảo an toàn VSTP đến tay người tiêu dùng.
Thu Thảo