Bộ mặt nông thôn của xã khởi sắc, với cảnh quan môi trường sống được cải thiện theo hướng xanh - sạch - đẹp; người dân tổ chức vệ sinh môi trường xung quanh khuôn viên nhà, chỉnh trang, xây mới hàng rào, làm cột cờ, trồng hoa, không lấn chiếm lòng lề đường, không tồn tại cầu tiêu ao cá…, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Nâng cao đời sống người dân
Là một xã thuần nông, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Phú Thạnh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Với diện tích đất nông nghiệp hơn 2.300ha, chủ yếu trồng lúa và nếp, nông dân áp dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, đưa cơ giới vào sản xuất, góp phần giảm sức lao động, tăng lợi nhuận.
Xã Phú Thạnh nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, Phú Thạnh đã thực hiện đầu tư hệ thống giao thông nông thôn thông suốt, đảm bảo theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, giao thương hàng hóa, như đường dân sinh dài 1,848 km được đầu tư đổ bê tông đạt chuẩn, tỷ lệ 100%. Hiện tại trên địa bàn xã có 30 trạm bơm điện, 12 cống tiêu, 13 công trình kênh mương, đảm bảo phục vụ tưới, tiêu kịp thời cho hơn 5.180 ha diện tích sản xuất.
Tính đến cuối năm 2019, Phú Thạnh đã huy động tổng kinh phí xây dựng NTM trên 205 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 12,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng, tăng gần 33 triệu đồng so với năm 2011; tổng số hộ nghèo đa chiều giảm còn 59 hộ, chiếm tỷ lệ 1,57%; tổng số người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng lao động đạt tỷ lệ gần 94%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,67%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt trên 90%...
Với lộ trình thực hiện bài bản, mục tiêu về đích NTM của xã Phú Thạnh đã hoàn thành sớm hơn tiến độ 1 năm so dự kiến ban đầu. Thành quả này minh chứng cho sự phấn đấu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân xã Phú Thạnh, tạo bước đột phá cho sự phát triển của một xã thuần nông, tăng cường tiềm lực kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh Dương Hoài Phong, thời gian tới, đúc kết những kinh nghiệm đã làm được, xã tiếp tục củng cố nhân sự Ban quản lý NTM, Ban vận động để phát huy tốt yêu cầu nhiệm vụ mới. Từ nền tảng này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phú Thạnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu tiếp tục phát huy thế mạnh về nông nghiệp, đảm bảo cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2025, xã Phú Thạnh đạt các tiêu chí, chỉ tiêu NTM nâng cao và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Thu nhập bình quân đầu người tại xã Phú Thạnh hiện nay đã đạt 47,692 triệu đồng/năm (tăng 32,992 triệu đồng so năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,57%, không còn nhà tạm, nhà dột nát; có trên 93% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên và ổn định.
Trên địa bàn xã đã có HTX nông nghiệp Phú Thạnh là điểm sáng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, với 378 thành viên, đang phục vụ 12 dịch vụ hiệu quả, cho lợi nhuận cao. Từ năm 2018, HTX cùng các ấp, ngành nông nghiệp vận động người dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng bao tiêu lúa, nếp được 3 vụ liên tiếp, tổng diện tích được bao tiêu là 478,25ha.
HTX nỗ lực đưa sản phẩm nếp Phú Tân đến thương hiệu quốc gia (Ảnh: TL) |
Nhằm đóng góp xây dựng NTM xã Phú Thạnh, HTX đăng ký thực hiện 1 công trình giao thông thủy lợi nội đồng theo phương châm HTX và nhân dân cùng làm.
“HTX tiếp tục liên kết với doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, giống, phân bón, thuốc và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp của nông dân theo mô hình “cánh đồng lớn”, đồng thời xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá thương hiệu Gạo an toàn Phú Thạnh. HTX liên kết doanh nghiệp phát triển các sản phẩm: dưa lưới trong nhà màng, đậu nành rau và rau màu trong nhà lưới, 2 vùng sản xuất lúa sạch với 200 ha. Đồng thời, vận động nông dân chuyển vùng trồng nếp kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty NADI ở Bến Tre” - Giám đốc Trần Văn Lô Ba nhấn mạnh.
Xã Phú Thạnh là địa phương được tỉnh An Giang quy hoạch vùng chuyên canh nếp nhưng việc sản xuất loại nông sản này chưa đem lại hiệu quả cao, sản phẩm không đồng nhất, chất lượng không cao, giá cả bấp bênh. Trước tình hình đó, “chuỗi liên kết sản xuất” được xem là mô hình khả thi nhất, mà ở đó doanh nghiệp và nông dân cùng nhau xây dựng một sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia và cùng hướng đến sự phát triển bền vững.
Do vậy, HTX đã xây dựng dự án liên kết sản xuất nếp thơm gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu Nếp Phú Tân. Ông Ba chia sẻ: “Mơ ước của tôi đã trở thành hiện thực, mong rằng dự án chuỗi liên kết sản phẩm Nếp Phú Tân được gắn kết chặt chẽ đem lại hiệu quả cho bà con nông dân”.
HTX đã thuê 10 ha đất của 7 hộ thành viên để sản xuất thí điểm nếp thơm đặc sản Phú Tân theo mô hình tổ sản xuất mua chung, bán chung. Mua chung là hình thức HTX sẽ cung cấp cho tổ sản xuất một chuỗi dịch vụ phục vụ cho cả quy trình sản xuất như bơm tưới tiêu, cung ứng giống, làm đất, sạ lúa, bón phân, phun xịt, cung ứng vật tư nông nghiệp, thu hoạch, vận chuyển, sấy. Các dịch vụ này, ngoài các dịch vụ HTX tự cung cấp, các dịch vụ còn lại HTX sẽ liên kết với các chủ phương tiện trên địa bàn để cung cấp theo phương châm giảm tối đa chi phí đầu vào cho thành viên và nông dân.
Còn với hình thức bán chung tức là tiêu thụ xuất phát từ nhu cầu của thành viên HTX, thành viên đăng ký thông qua tổ sản xuất, qua đó HTX hình thành vùng sản xuất sản phẩm có sản lượng lớn, chất lượng ổn định đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Từ đó, HTX có đầy đủ điều kiện đàm phán bán hàng với doanh nghiệp và hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, sản phẩm nếp ngoài việc bán cho doanh nghiệp, HTX sẽ dành riêng khoảng 3 tấn/vụ và thuê Công ty Đặng Ngọc xay xát, đóng gói, bao bì có in nhãn hiệu tập thể Nếp Phú Tân và logo của HTX để gửi tham gia các kỳ hội chợ nhằm giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ. Từ đó, từng bước sẽ phát triển thương hiệu Nếp Phú Tân.
Minh Thành