Vùng Tây Bắc có chung đường biên giới với Lào, Trung Quốc. Đây được biết đến là vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khó khăn, khắc nghiệt nhưng lại là nơi có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, là phên dậu của Quốc gia.
Kinh tế của vùng với sản xuất lâm nghiệp là chủ yếu, nhưng quy mô nhỏ, trình độ, năng lực, công nghệ còn nhiều hạn chế, tuy nhiên có tiềm năng phát triển, nhất là đối với các sản phẩm lâm nghiệp và chăn nuôi.
Cơ chế ưu đãi
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tây Bắc là một trong những vùng có số lượng HTX chưa chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX 2012 tương đối cao và cũng là vùng có tỷ lệ HTX chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác cao nhất.
Đến hết năm 2016, trong hơn 1.000 HTX tại Tây Bắc, còn 231 HTX chưa chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX 2012 và 352 HTX ngừng hoạt động chờ giải thể 57 HTX chuyển sang loại hình tổ chức khác.
Với những khó khăn trên, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển HTX.
Cụ thể, Luật HTX 2012 đã công nhận và bảo đảm quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập và các lợi ích khác của HTX, Liên hiệp HTX; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng giữa HTX, Liên hiệp HTX với các loại hình doanh nghiệp khác; bảo đảm quyền tự do, tự chủ của HTX.
Đồng thời, Nhà nước cũng đã có các chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất; xúc tiến, đẩy mạnh các quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tăng cường ưu đãi tín dụng về vốn, giống khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh…
Chính phủ cũng đã đưa ra các ưu đãi về thuế, lệ phí đối với các HTX nông, lâm, ngư nghiệp; giúp đỡ các HTX trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX.
Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước cũng như Liên minh HTX, tình hình phát triển KTHT mà trọng tâm là HTX trên địa bàn Tây Bắc đã đạt được những thành tích nhất định.
Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, tính đến hết tháng 5/2018, khu vực 7 tỉnh Tây Bắc có 1.350 HTX nông, lâm, thủy sản, chiếm gần 61% tổng số HTX đang hoạt động, thu hút trên 100.000 thành viên và người lao động với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 1.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 2,9 triệu đồng/tháng.
Các HTX nông, lâm, thủy sản đã hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đẩy mạnh xây dựng mô hình chuỗi giá trị, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp hiện nay đang gặp khó trong việc liên kết giữa các thành viên HTX với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc thu hút nhân lực chất lượng cao, nguồn lực đầu tư còn ít, chưa xác định được sản phẩm chủ lực, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm.
Trên lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, hiện có 178 HTX hoạt động, thu hút trên 5.700 thành viên, người lao động tham gia, thu nhập bình quân đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Hầu hết các HTX trong lĩnh vực này đều khai thác tốt tiềm năng, lao động, tài nguyên tại chỗ để phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương. Một số HTX đã đầu tư thiết bị, dây chuyền máy móc hiện đại vào sản xuất. Các HTX này tuy chỉ nhận thi công các công trình nhỏ, nhưng thu hút được nhiều nhân công và có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với các ngành khác.
Khu vực KTHT Tây Bắc, nòng cốt là HTX, đã có những bước phát triển toàn diện |
Phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có trên 300 HTX đang hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực như chế biến lâm sản, nông sản, gia công, sửa chữa cơ khí nhỏ, sản xuất hàng thủ công truyền thống… với hơn 10.000 thành viên, thu nhập trên 3 triệu đồng/ người/tháng.
Tuy nhiên, các HTX trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn do năng lực nội tại của các HTX yếu, vốn ít, khả năng tiếp cận thị trường kém dẫn đến hạn chế phát triển HTX.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ có 171 HTX, với hơn 4.000 thành viên, thu nhập bình quân đạt 3,3 triệu đồng/người/ tháng. Các HTX thương mại - dịch vụ đã góp phần phục vụ sản xuất, bình ổn giá cả, tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn nhưng vẫn gặp khó trong việc liên kết với các đơn vị trực tiếp sản xuất để tiêu thụ sản phẩm.
Lĩnh vực vận tải có 85 HTX với trên 2.600 thành viên, thu nhập bình quân đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình chủ yếu hiện nay của HTX vận tải là hoạt động dịch vụ hỗ trợ, trong đó HTX đảm bảo cung ứng những khâu dịch vụ quan trọng cho thành viên như đăng ký lưu hành, bến bãi, luồng tuyến, xử lý rủi ro. Đây là lĩnh vực không yêu cầu nhiều lao động nhưng đầu tư ban đầu lớn, bù lại thu nhập của lao động tương đối cao.
Lĩnh vực môi trường có 15 HTX, gần 400 thành viên với thu nhập trên 3,6 triệu đồng/ người/tháng. Loại hình này đã và đang góp phần vào giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp tại nơi HTX hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Lĩnh vực tín dụng bao gồm 71 quỹ tín dụng nhân dân, thu hút trên 91.000 thành viên, lao động tham gia, thu nhập bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động của các quỹ tín dụng này đã hạn chế được việc cho vay nặng lãi và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại các địa phương.
Ngoài ra, các tỉnh Tây Bắc còn có 43 HTX hoạt động trong lĩnh vực khác, trong đó có 18 HTX hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện năng, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,6 triệu đồng/tháng.
Các HTX cung cấp điện năng đã đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện của người dân và phục vụ sản xuất, sinh hoạt của các HTX. Tuy nhiên, các HTX đều gặp khó khăn từ chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý, dẫn đến các HTX chưa yên tâm để đầu tư, nâng cấp, cải thiện chất lương, dịch vụ.
Như vậy, khu vực KTHT Tây Bắc, nòng cốt là HTX, đã có những bước phát triển toàn diện, số tổ hợp tác, HTX tăng lên cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao, nội dung và mô hình hoạt động được đổi mới, phù hợp với từng lĩnh vực… giúp tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào ngân sách địa phương, bảo đảm an ninh xã hội.
Bạch Linh