Bứt phá từ khó khăn cố hữu
Tháng 10/2004, HTX Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) được thành lập gồm 30 thành viên, diện tích canh tác 18 ha. Là vùng chuyên canh rau, trình độ canh tác của nông dân khá cao, thị trường tiêu thụ rộng là những thuận lợi ban đầu để HTX phát triển. Tuy nhiên, do sản xuất theo lối cũ, sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhiều, không đúng cách, nên sản lượng lớn nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao. Bên cạnh đó, tình trạng được mùa mất giá thường xảy ra càng làm cho thu nhập của nông dân giảm, nhiều thời điểm thua lỗ.
Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Ngã Ba Giồng (Ảnh: Internet) |
Những ngày đầu, do vốn ít, kinh nghiệm quản lý chưa có, thành viên làm ăn theo kinh nghiệm truyền thống, thị trường rộng nhưng không ổn định... là những thách thức không nhỏ mà HTX phải vượt qua. Sau nhiều lần bàn bạc, đánh giá nhu cầu xã hội, phân tích những điểm mạnh, yếu của mình, Ban giám đốc HTX quyết định vận động thành viên sản xuất rau an toàn, mở ra định hướng sản xuất kinh doanh mới là cung cấp những sản phẩm xã hội cần, chấm dứt lối làm hạn chế vẫn tồn tại lâu nay là chỉ đưa ra thị trường những gì mình có.
Phó giám đốc HTX Trần Ngọc Yên cho biết, để làm ra sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng, HTX chủ động mời các cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm, xác định các chỉ tiêu hóa, lý của đất, nước tưới trong các ruộng rau; liên hệ Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến cho xã viên, hướng dẫn xã viên sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ðược sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, HTX xúc tiến đăng ký thương hiệu; xây dựng trang thông tin điện tử, cung cấp thông tin, quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu trên Internet và nhiều phương tiện thông tin khác...
Sản phẩm đa dạng, chất lượng bảo đảm, giá bán hợp lý nên chỉ sau một thời gian ngắn, rau an toàn thương hiệu Ngã Ba Giồng dần dần được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.
Người lao động của HTX Ngã Ba Giồng sơ chế rau sạch (Ảnh: Internet) |
Cũng bứt phá vượt qua khó khăn, thách thức và hoạt động có hiệu quả là HTX nông nghiệp - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An (HTX Phước An), xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh. Nhờ chú trọng sản xuất sản phẩm an toàn, chủ động liên kết tìm đầu ra, nhất là xây dựng thành công chuỗi nông sản rau sạch, đến nay HTX Phước An được xem là một trong những mô hình kinh tế hợp tác sản xuất rau an toàn tiêu biểu tại TP.HCM.
Giám đốc HTX Phước An Trần Văn Thích cho biết, với 62 thành viên, HTX Phước An đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đối tác và vận động, tổ chức các thành viên, các hộ vệ tinh sản xuất theo quy trình VietGAP. Tổng diện tích sản xuất của HTX là 29ha, trong đó diện tích được chứng nhận VietGAP là 20ha. HTX Phước An là một trong hai HTX tiên phong trong việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, giúp HTX dễ dàng kiểm soát, cũng như khuyến khích các thành viên bảo đảm được sản phẩm của HTX đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tất cả thành viên HTX đã tự ghi chép được nhật ký đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các khách hàng. Sản phẩm rau an toàn của các thành viên được HTX ký hợp đồng thu mua cố định có lãi 30% so với giá thành sản xuất.
“Chính nhờ xây dựng được chuỗi nông sản rau sạch, sản phẩm của HTX Phước An đã thâm nhập vào các hệ thống siêu thị có uy tín như: Co.opmart, BigC, Lotte... Cùng với đó, HTX còn cung cấp một số sản phẩm rau sạch cho một số đơn vị xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, các công ty cung cấp thực phẩm, trường học, bệnh viện… với sản lượng 150 tấn rau sạch mỗi tháng”, Giám đốc Trần Văn Thích cho biết.
Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ
Theo đánh giá của Liên minh HTX TP.HCM, trong những năm qua, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền thành phố, nhiều mô hình HTXNN tại TP.HCM hoạt động khá hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp, làm ăn có lãi, thu nhập của người dân được nâng lên. Tính đến cuối năm 2019, TP.HCM có 107 HTXNN (tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2018) với tổng số thành viên là 2.389 người. Tổng vốn điều lệ 382,8 tỷ đồng với 107 HTX, bình quân 3,5 tỷ đồng/HTX. Ngoài ra, TP.HCM có 294 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 3.750 tổ viên.
Sơ chế rau sạch tại HTX Phước An (Ảnh: Internet) |
Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP.HCM Lê Tuấn Tài cho biết, TP.HCM xác định phát triển HTXNN là một trong những tiền đề quan trọng để nâng cao đời sống người dân ở vùng nông thôn. Để thực hiện được điều này, bên cạnh các chính sách hiện hành, TP.HCM tăng cường cơ chế khuyến khích để nông dân tham gia liên kết làm ăn theo mô hình hợp tác. Cụ thể, TP.HCM hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất... Qua đó đã có tác động nhất định đến việc đổi mới, phát triển HTXNN.
“Thành phố sẽ xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm nông nghiệp theo mô hình: Hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp, trong đó hộ nông dân là chủ đất, tham gia liên kết với nhau thành lập HTX và góp vốn vào HTX. HTX là đầu mối đảm nhận tổ chức sản xuất hoặc dịch vụ, còn doanh nghiệp sẽ đảm nhận vai trò tìm kiếm thị trường tiêu thụ, phân phối sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng”, ông Lê Tuấn Tài nhấn mạnh.
Phạm Duy