Đây là chỉ đạo của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tại Hội nghị đánh giá công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ tháng 8 của Liên minh HTX Việt Nam mới đây.
Dạy nghề theo nhu cầu của các HTX
Lấy dẫn chứng từ nhu cầu được đào tạo nghề tại một số HTX trong chuyến khảo sát và làm việc với lãnh đạo tỉnh cũng như một số HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, nhu cầu học nghề, đào tạo nghề một cách bài bản của các thành viên, người lao động trong các HTX hiện nay rất lớn.
Đơn cử, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Châu Hòa thành lập và đi vào hoạt động tháng 3/2019, với sự tham gia tự nguyện của 371 thành viên, nguồn vốn đóng góp ban đầu lên đến 1,5 tỷ đồng. Dù HTX chỉ mới đi vào hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhưng đã nhanh chóng đi vào nề nếp và nhận được sự tin tưởng của các thành viên. Hiện nay, bà con đang xây dựng mô hình “Vườn dừa hữu cơ” nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cả dừa khô và dừa xiêm.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo quan tâm thăm hỏi người lao động tại HTX nông nghiệp Châu Bình |
Trong khi đó, HTX nông nghiệp Châu Bình cũng mới thành lập tháng 4/2019, thu hút 215 thành viên, với 221ha đất dừa. HTX có 3 cửa hàng gồm: cửa hàng thu mua, sơ chế trái dừa và lấy dầu; cửa hàng nước lọc tinh khiết đóng chai; cửa hàng phân, thuốc bảo vệ thực vật. Các cửa hàng này hoạt động ổn định và bước đầu có hiệu quả.
Dù hai HTX này thu hút được số lượng lao động đông đúc, nhưng thực tế ngày công của lao động thường xuyên chưa cao. Nguyên nhân do trình độ, năng lực của người lao động còn hạn chế, phần đông chưa qua đào tạo nghề, kỹ năng nghề và các kiến thức chuyên môn. Các kiến thức, kỹ năng được áp dụng chủ yếu tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm nên các kỹ thuật khoa học liên quan đến việc trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản dừa không cao.
Vì thiếu kiến thức, kỹ năng nên người lao động, thành viên của các HTX rất muốn được tham gia các lớp tập huấn, lớp đào tạo ngắn hạn, khoá học dài hạn để bổ sung kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản phù hợp và khoa học.
Tại các buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đã nhận được đề nghị của các HTX là hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng về trồng, chế biến, bảo quản dừa và kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho bò của HTX Mỹ Chánh.
Để hỗ trợ cho các HTX, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Trung ương lập kế hoạch mở 3 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản dừa nước, dừa khô cho lao động và thành viên của HTX nông nghiệp Châu Bình; HTX dịch vụ nông nghiệp xã Châu Hòa (huyện Giồng Trôm) và kỹ thuật chăn nuôi bò cho người lao động, thành viên của HTX nông nghiệp Mỹ Chánh (huyện Ba Tri), tỉnh Bến Tre.
“Tôi đề nghị, từ nay đến cuối năm, Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Trung ương cần phải triển khai dạy nghề cho người lao động, thành viên 3 HTX này. Phải lấy cách dạy cầm tay chỉ việc bằng sản phẩm của chính họ và đào tạo tại chỗ để họ vừa học, vừa làm sao cho hiệu quả nhất”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Liên minh HTX Việt Nam với hệ thống các trường gồm: Trường Bồi dưỡng cán bộ; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương; Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bắc bộ; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên; Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam. Đây là hệ thống các trường đào tạo, dạy nghề cho toàn hệ thống và nhu cầu dạy nghề của xã hội.
Lao động trong khu vực HTX đang rất cần được dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh |
Theo bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), khu vực KTHT, HTX tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 9 triệu thành viên, người lao động và hàng triệu lao động thời vụ. Chỉ tính trong 7 tháng qua, cả nước đã thành lập mới 1.017 HTX, trong đó 780 HTX nông nghiệp và 237 HTX phi nông nghiệp.
“Số HTX thành lập mới và số thành viên, người lao động tăng mạnh hàng năm, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã khiến cho nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề của người lao động trong khu vực HTX rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động qua đào tạo trong khu vực HTX mới đạt khoảng 22% đã dẫn đến trình độ tay nghề hạn chế, năng suất lao động thấp”, bà Oanh nêu thực trạng.
Ông Nguyễn Danh Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Trung ương cho biết, để nâng cao hiệu quả của lao động khu vực HTX thì chất lượng đào tạo nghề là nội dung quan trọng.
“Các cơ sở đào tạo cần hướng đến đáp ứng nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, HTX, xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay. Ngoài ra, cần ưu tiên đào tạo nghề theo quy chuẩn; đào tạo ngành nghề chế biến, bảo quản thực phẩm; tăng cường đào tạo nghề dài hạn, tăng số thời gian thực hành nghề tại các doanh nghiệp, trang trại, HTX. Đa dạng hình thức dạy nghề, đổi mới nội dung dạy, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX với cơ sở đào tạo nghề”, ông Nguyễn Danh Hùng nêu giải pháp.
Để đáp ứng nhu cầu dạy nghề của các trường và học nghề của người lao động, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nói rằng, các trường trong hệ thống của Liên minh HTX Việt Nam phải đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng khung chương trình và giáo trình chuẩn; nâng cao trình độ chuẩn của giảng viên; đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường.
"Phải đào tạo cái người ta cần chứ không phải đào tạo cái mình có bằng phương pháp cầm tay, chỉ việc để người lao động nắm bắt kỹ thuật và nhận thấy hiệu quả trực tiếp. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập đáp ứng với xu thế đào tạo trong thời kỳ công nghiệp 4.0 như hiện nay”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Phạm Duy