Hiện nay, huyện đã có 6 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí gồm: Chiềng Ban, Mường Chanh, Hát Lót, Mường Bon, Chiềng Sung và Cò Nòi. Đây là những tấm gương trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội.
Biến khó khăn thành lợi thế
Là huyện nghèo lại chưa thực hiện dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới do địa hình đồi núi và phương pháp canh tác lạc hậu là khó khăn trong phát triển sản xuất của Mai Sơn. Biến khó khăn thành lợi thế, Mai Sơn đặc biệt quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đây, vấn đề tích tụ ruộng đất cũng dần được giải quyết, tạo thuận lợi cho sản xuất.
Dựa vào điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, huyện đẩy mạnh mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả trên đất dốc; khuyến khích phát triển HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp liên kết với các hộ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện Mai Sơn có 108 HTX, trong đó 88 HTX nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả làm nền tảng vững chắc để các xã xây dựng nông thôn mới thành công.
Tại xã Hát Lót, trước đây người dân chỉ canh tác nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu thì nay đã khác. Với hơn 15 ha đất nông nghiệp, người dân đã liên kết thành lập HTX Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, trồng các loại cây ăn quả như: Cam đường Canh, nhãn ghép, thanh long ruột đỏ, dâu tây và bưởi Diễn... Trong đó, cam là cây trồng chủ lực, tạo nên thương hiệu mạnh của xã Hát Lót.
![]() |
Trồng dâu tây theo hướng sinh thái là một trong những bước đi hiệu quả của HTX Nà Sản (Ảnh: TL) |
Ngoài áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, HTX Nà Sản đầu tư công nghệ tưới phun cục bộ, phòng trừ sâu bệnh bằng vi sinh vật, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp phục vụ nuôi trùn quế tạo nguồn phân hữu cơ... HTX còn kết hợp làm du lịch, thu hút được nhiều du khách và nhất là học sinh đến trải nghiệm, làm giàu thêm kiến thức sống.
Nhờ liên kết với các doanh nghiệp, các sản phẩm HTX làm ra đều có thị trường ổn định. Tiêu thụ theo hợp đồng nên giá trị sản phẩm tăng cao, đạt 35- 60 nghìn đồng/kg, tăng 40% - 85% so với những năm trước không trồng theo quy chuẩn và bán buôn cho các thương lái.
Sự phát triển của HTX Nà Sản đã góp phần thiết thực tạo vùng cây ăn quả tập trung, giúp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và đưa xã Hát Lót trở thành một trong các địa phương đầu tiên trong huyện hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Động lực xây dựng nông thôn mới
Tại xã Cò Nòi, cây na là cây truyền thống của địa phương và được đưa vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Người dân cùng nhau liên kết, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm…
Hiện nay, HTX Mé Lếch có 20 thành viên, canh tác trồng na trên diện tích đất 50 ha. HTX đảm nhiệm các khâu kỹ thuật, đầu ra quảng bá sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với thương lái. HTX đăng ký tem nhãn sản phẩm chung, kiểm soát quy trình sản xuất và cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho các hộ dán lên từng quả na.
Nếu như trước kia nói đến na Mé Lếch sẽ không có mấy người biết thì hiện nay, thương hiệu na Mé Lếch đã trở nên quen thuộc hơn rất nhiều. Từ khi tham gia HTX, nông dân cũng được hướng dẫn về kỹ thuật, nhờ đó cây trồng có hiệu quả và chất lượng cao hơn, thu nhập của người dân cũng từ đó mà được nâng cao.
![]() |
Na Mé Lếch được nhiều người biết đến nhờ có HTX (Ảnh: TL) |
Nhận thấy vai trò của mô hình kinh tế hợp tác, xã Cò Nòi đã thành lập 16 HTX dịch vụ nông nghiệp làm đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất như HTX Mé Lếch Cò Nòi, HTX Thanh Sơn Cò Nòi…
Xã đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, với trên 1.110 ha cây ăn quả, 2.445 ha cây mía, 23 ha cây chanh leo, hơn 20 ha dâu tây. ..
Có thể thấy, với diện tích trên 93.000 ha đất nông nghiệp, Mai Sơn là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Đây cũng là nền tảng để các xã hình thành các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các lợi thế của từng địa phương.
Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi phải có cái bắt tay bền chặt giữa người dân và doanh nghiệp. Thay vì làm việc với từng nông dân, các doanh nghiệp rất mong muốn được làm việc thông qua các HTX, tổ hợp tác.
Chính vì điều đó, cùng với chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa của tỉnh, Mai Sơn đã đẩy mạnh thành lập các HTX , tổ hợp tác. Qua đó, từng bước giúp người nông dân thay đổi nhận thức sản xuất, từng bước hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị.
Trong đó, các HTX sản xuất cây ăn quả giúp các xã xây dựng thương hiệu từ sản phẩm, khẳng định được lợi thế của huyện Mai Sơn. Từ cao nguyên đến đồi dốc, đồi đá, phát triển các loại cây ăn quả ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn làm tăng độ che phủ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường.
Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tham gia HTX, tổ hợp tác, người dân vươn lên làm giàu. Có thu nhập khá, người dân hồ hởi đóng góp tài chính và công sức xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn có những bước chuyển biến rõ rệt, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư đồng bộ, hiệu quả.
Huyền Trang