Bảo Yên có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Tày đông nhất, chiếm khoảng 33% dân số toàn huyện, tiếp theo là người Dao, Mông, Nùng… Đến năm 2025, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều bình quân hàng năm đạt 4,9 %.
Thúc đẩy cây trồng thế mạnh
Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện đã và đang thúc đẩy các nguồn lực hỗ trợ người dân tộc thiểu số phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thành lập các HTX để nâng cao nội lực sản xuất, gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời, những năm qua, diện mạo nông nghiệp, nông thôn xã Xuân Hòa ngày càng “thay da, đổi thịt”. Hàng loạt cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao được phát triển thành công, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân.
Một trong những điển hình có thể kể đến mô hình trồng quế, đang giúp đồng bào người Mông, người Dao đỏ ở Xuân Hòa thay đổi tư duy, tiếp cận phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ hiệu quả, để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cây quế đang là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ở Bảo Yên (Ảnh: TL). |
Hiện, 100% các thôn tại Xuân Hòa có các hộ tham gia mô hình trồng quế. Tổng diện tích đạt khoảng 3.256 ha, chiếm hơn 80% diện tích cây trồng trên địa bàn xã. Mỗi năm cây quế đem lại cho địa phương 30 - 50 tỷ đồng.
Bà Triệu Thị Di, dân tộc Mông, xã Xuân Hòa cho biết trước đây gia đình chỉ quanh năm làm nông nghiệp, kết hợp trồng rừng thu nhập vài triệu/năm, cuộc sống bấp bênh. Nay, được giao trồng hơn 10 ha quế, mỗi năm gia đình bác Bôn thu hoạch trên dưới 100 triệu đồng.
Lãnh đạo UBND xã Xuân Hoà cho biết để khuyến khích người dân thay đổi tư duy, gắn bó với kinh tế rừng, những năm qua, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp vận động người dân trồng rừng và tập trung phát triển cây quế. Cùng với đó, xã đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân.
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các HTX trên địa bàn huyện Bảo Yên cũng để lại những dấu ấn mạnh mẽ.
Cũng tương tự Xuân Hòa, Vĩnh Yên cũng đang là địa phương có diện tích và sản lượng quế lớn của huyện Bảo Yên, với trên 2.960 ha. Dựa trên những thế mạnh sẵn có, HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Yên đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất tinh dầu quế, tinh dầu sả làm sản phẩm chủ lực.
Đánh thức tiềm năng sẵn có
Dù trải qua thời kỳ khởi nghiệp với không ít khó khăn, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên nhờ đổi mới tư duy trong sản xuất, HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Yên đang dần khẳng định thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường, nâng cao vị thế của mình.
Hiện, trung bình mỗi tháng, HTX chiết xuất thành công 70 - 100 lít tinh dầu quế, tinh dầu sả. Các sản phẩm tinh dầu của HTX với chất lượng vượt trội đã đạt chuẩn 4 sao theo xếp hạng sản phẩm OCOP, đồng thời được khách hàng đánh giá cao, ưa chuộng.
Các HTX đóng vai trò quan trọng trong liên kết sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân tộc thiểu số (Ảnh: TL). |
Nhờ hoạt động hiệu quả, sản phẩm của HTX Vĩnh Yên đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh, thành phía Bắc, với 35 đại lý giới thiệu, phân phối. Hàng năm, HTX đạt mức doanh thu khoảng 300 - 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động là phụ nữ ở địa phương, đa phần là người dân tộc thiểu số, với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh cây quế, huyện Bảo Yên hiện cũng có thế mạnh về cây chè với gần 560 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Năm 2022, nông dân thu hoạch khoảng 5.450 tấn chè. Hiện, huyện có 1 HTX và 1 doanh nghiệp đang liên kết sản xuất, tiêu thụ chè búp tươi cho nông dân.
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhận thức của người sản xuất, doanh nghiệp đã nâng lên. Các hộ chủ động thâm canh trong sản xuất, đầu tư trên 500 tấn phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học phục vụ chăm sóc chè nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
Cùng với các dự án trồng trọt, các mô hình, dự án chăn nuôi cũng được huyện Bảo Yên triển khai. Trong đó, dự án Phát triển chăn nuôi gà thả đồi huyện Bảo Yên triển khai từ năm 2017 tại 4 xã Bảo Hà, Kim Sơn, Tân Dương, Minh Tân… đã và đang cho hiệu quả cao.
Cũng có thể kể đến dự án nuôi bò vàng có HTX nông nghiệp Thanh Phong đang làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương, từ chăn nuôi thả rông, tự cung tự cấp sang sản xuất tập trung. Qua đó, tăng giá trị sử dụng tài nguyên đất đai, từng bước cải thiện môi trường sống vùng nông thôn.
Có thể thấy, Đề án tái cơ cấu nông lâm nghiệp, hướng tới nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện Bảo Yên đang cho thấy những kết quả rất tích cực, trong đó có nhiều mô hình kinh tế mới được hình thành và mở rộng, mang lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều này cho thấy, việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các HTX, doanh nghiệp có tiềm lực, thị trường đến đầu tư và liên kết sản xuất với người dân, tạo sự phát triển bền vững.
Mỹ Chí