Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Thành ủy – HĐND – UBND thành phố Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam, nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo kịp thời về phát triển kinh tế hợp tác, HTX đã được ban hành. Với vai trò là đầu tàu phối hợp và hướng dẫn HTX thực hiện Luật HTX năm 2012, Liên minh HTX thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò của mình, nâng cao nhận thức của người dân về HTX.
Những con số biết nói
Năm 2018, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 1.544 HTX, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động; 1.393 tổ hợp tác; 9 Liên hiệp HTX. Số lượng HTX năm 2018 có mức tăng cao với 81 HTX được thành lập mới, tăng 55,8% so với năm 2017. Trong đó, nông nghiệp, vận tải, thương mại dịch vụ là lĩnh vực HTX phát triển mạnh nhất. Các HTX tổ chức tốt các khâu dịch vụ, đầu tư công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn quy định, ký hợp đồng trong sản xuất và tiêu thụ. Mô hình HTX mới, HTX điển hình tiên tiến thông qua các hoạt động HTX đã góp phần tạo việc làm ổn định cho thành viên, người lao động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường.
Các HTX nông nghiệp đã tổ chức trên 10 khâu dịch vụ đảm bảo phục vụ cho gần 200.000 ha đất nông nghiệp của hàng trăm ngàn hộ gia đình. Để phục vụ thành viên và nông dân, các HTX xây dựng đơn giá dịch vụ đủ chi công quản lý và chi phí khác, được thông qua đại hội thành viên, nên giá dịch vụ thấp hơn so với thị trường, mục tiêu mang lại lợi ích và hỗ trợ thành viên nhiều nhất, tạo điều kiện gắn người dân với đồng ruộng, hạn chế việc bỏ ruộng, đảm bảo diện tích gieo trồng, tạo sự gắn kết giữa thành viên với HTX, thành viên tin tưởng vào sự điều hành của hội đồng quản trị HTX.
Các HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đóng góp vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động |
Để mở rộng thêm các dịch vụ có lãi, nhiều HTX nông nghiệp đã miễn các khoản thu dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thành viên như: HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ tổng hợp Dương Liễu đã nhiều năm miễn phí 5 dịch vụ sản xuất nông nghiệp với diện tích canh tác 270ha/vụ; HTX Nông nghiệp An Mỹ thông qua các dịch vụ đã làm lợi cho thành viên khoảng 11 tỷ đồng/ năm: dịch vụ làm đất từ 10.000 đến 15.000đ/sào/ vụ, làm lợi cho người dân 280 triệu đồng/năm; dịch vụ ngâm ủ chạy sạ giảm giá thành khoảng 270.000 đồng/sào/vụ, làm lợi cho thành viên 3,15 tỷ đồng; dịch vụ thu hoạch bằng máy giảm giá so với gặt thủ công 130.000 đồng/sào, làm lợi 1,5 tỷ đồng/năm; liên kết sản xuất lúa giống trên 70ha sản lượng gần 200 tấn lúa, làm lợi 1,05 tỷ đồng; liên kết trồng khoai tây diện tích 40 ha, thu nhập cao hơn so với trồng lúa 160 triệu/ ha/năm, làm lợi cho thành viên 6 tỷ đồng.
Nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, các HTX được tổ chức lại và thành lập mới theo Luật HTX năm 2012; thành viên tham gia HTX tán thành điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh và các quy định khác của HTX. Đa số các HTX đã xác định tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quyết tâm khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh ứng dụng KHKT
Với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, chủng loại đa dạng, phong phú là điều kiện để thành viên, các HTX tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mở rộng sản xuất các sản phẩm mới.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, các HTX đã tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn hộ thành viên sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, 46 HTX đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản bằng tem điện tử QRcode; giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trên 10 hội nghị giao thương, hội chợ thương mại do Liên minh HTX Việt Nam, UBND thành phố và các tỉnh thành lân cận tổ chức cho trên 100 lượt HTX tham dự để tăng cường giới thiệu, quảng bá chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác để có kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ… hiện đã có 43 HTX nông nghiệp gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp như: HTX Cuối Quý trồng rau hữu cơ nhà kính, lựa chọn giống chất lượng cao nhập từ Đài Loan, kỹ thuật xử lý gia nhiệt để triệt mầm bệnh trong đất trước khi gieo trồng, chất lượng rau được người tiêu dùng đánh giá cao; HTX gạo hữu cơ Đồng Phú sản xuất từ giống lúa nguyên chủng Bắc Thơm số 7 theo tiêu chuẩn Pamci của Nhật Bản, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, đất sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn đồng thời xa khu dân cư, nghĩa trang, nguồn nước sản xuất được lọc qua than hoạt tính, giá trị gạo tăng gấp 2 lần so với mặt bằng chung.
Gặt hái được nhiều thành quả trong áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh phải kể đến HTX Hoa lan Đan Hoài, đã thuê hơn 3 ha đất đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp với kinh phí đầu tư 2,5 – 3 triệu đồng/m2, HTX đã xây dựng thương hiệu hoa Flora giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản lượng hiện nay đạt 1 triệu cây lan/năm; HTX công nghệ cao Thăng Long sản xuất chế phẩm sinh học hữu cơ cung cấp cho nhiều tỉnh thành lân cận, HTX đã thuê 15 ha đất ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để trồng cam, thuê 5 ha đất bãi sông Hồng trồng chuối tiêu hồng (giống Thái Lan) xuất khẩu, thuê 1 ha đất ở Hoài Đức nuôi cá chép bể với năng suất 5tạ/ha; HTX rau củ quả Hồng Thái đầu tư 2 ha nhà kính trồng măng tây xanh với công nghệ tự động, sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, là mô hình sản xuất bước đầu đạt hiệu kinh tế quả cao.
Lĩnh vực sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao của HTX ngành nhựa sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng, sản phẩm nhựa phục vụ sản xuất nông nghiệp… đều sản xuất theo công nghệ bán tự động, với bình quân 500.000 sản phẩm/năm/ HTX, thu nhập bình quân 7–8 triệu đồng/ người/tháng. Trong đó, nhiều HTX mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm bằng robot như HTX Nhật Quang, HTX Quyết Tiến doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Thời đại 4.0, các HTX cũng nhạy bén ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh như HTX Chợ Việt đã cung cấp dịch vụ kết nối cung cầu, giới thiệu các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố, các vùng miền trên trang điện tử, kết nối người mua và người bán, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối, bước đầu các HTX đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng. Cụ thể, HTX Hoàng Long thành viên góp đất 5 ha xây dựng khu chăn nuôi khép kín, tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, HTX tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi diện tích 720m2, chăn nuôi lợn giống, lợn thịt (lợn ông bà 80 con, lợn bố mẹ 335 con, lợn thịt 3600 con), khu xử lý chất thải ngoài hàng rào khu vực chuồng trại khoảng 2,8 ha HTX tổ chức giết mổ, làm mát, cấp đông, chế biến sản phẩm từ thịt như: giò, chả, xúc xích… với nhãn hiệu thịt lợn sinh học a–z; HTX nông trại xanh Ba Vì là HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 13 thành viên, HTX đã thuê 25 ha đất của Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì để nuôi bò sữa, sản lượng sữa đạt khoảng 800.000 lít/năm, HTX sản xuất 8 sản phẩm từ sữa, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng/năm, thị trường tiêu thụ Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Bình…
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ V Liên minh HTX thành phố, năm 2019, Liên minh HTX thành phố sẽ phối hợp tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản để phát triển kinh tế tập thể Thủ đô. Để nâng “chất“ các HTX trên toàn thành phố, Liên minh HTX thành phố Hà Nội xác định phát triển đa dạng các loại hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX với tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Phấn đấu đưa kinh tế hợp tác, HTX thành phố ngày càng phát triển mạnh, khẳng định được vai trò, nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp lớn hơn vào kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Hoàng Hằng