Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), việc phát triển khu vực này chưa đạt được kỳ vọng đề ra và cần có những giải pháp trọng tâm để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian tới.
Nhiều kết quả tích cực
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức của nhân dân về mô hình HTX kiểu mới được nâng cao. Vị trí, vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết mạng lưới tổ chức Liên minh HTX không ngừng được tăng cường, củng cố; lực lượng cán bộ của hệ thống Liên minh HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng với hơn 1.600 cán bộ, trong đó, trên 80% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, thực hiện tốt công tác tư vấn, đào tạo, tuyên truyền, đối ngoại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên...
Đến nay, khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50 - 80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp. Cả nước có hơn 101.400 tổ hợp tác (THT), tăng 0,58% so với năm 2003; thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, tăng 57,3%. Có khoảng 1,1 triệu lao động thường xuyên, doanh thu bình quân đạt 408 triệu đồng/THT/năm.
Cả nước có 22.861 HTX, tăng 59% so với năm 2003; thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong HTX là 1,2 triệu người, tăng khoảng 14,8%. Doanh thu bình quân HTX đạt trên 4,4 tỷ đồng/HTX/ năm, tăng gấp 5,2 lần; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt khoảng 36,6 triệu đồng/năm, tăng khoảng 133%... Số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm, từ 969 HTX thành lập năm mới năm 2003 lên 2.521 HTX thành lập mới năm 2018, tăng gấp 2,6 lần, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cả nước có 74 Liên hiệp HTX, tăng 49 Liên hiệp HTX so với năm 2003. Cả giai đoạn 2003 - 2018 thành lập mới 51 Liên hiệp HTX. Các Liên hiệp HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 52,7%; thu hút 375 HTX thành viên, tăng 324 thành viên so với năm 2003, tạo việc làm cho 25,2 nghìn lao động, với tổng số vốn hoạt động là hơn 441 tỷ đồng; doanh thu bình quân 944 triệu đồng/ năm/Liên hiệp HTX...
![]() |
Các đại biểu tham dự Diễn đàn KTTT, HTX |
Sớm khắc phục hạn chế
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực KTTT, HTX nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, như: Tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, chưa xứng với tiềm năng. Tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu. Việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ và tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.
Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết, về bản chất tổ chức KTTT; chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng mắc; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia HTX; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực KTTT, HTX và kinh tế hộ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn.
Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt. Liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao…
Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chính, như: Nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của tổ chức KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường, thống nhất nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên; tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển mạnh mẽ và rộng khắp.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương để phát triển KTTT, HTX; hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT theo hướng tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm.
Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hiệp hội, trong đó, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và trong phát triển KTTT; tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, phù hợp quy định pháp luật có liên quan.
Đoàn Huyền