Hội chợ có trên 100 gian hàng, các sản phẩm tham gia hội chợ đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và 25 tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn, Điện Biên, Phú Thọ, Cao Bằng, Nghệ An, Bến Tre, Bắc Giang…
Nhiều công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại được các HTX, doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ. |
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong tổng số 1.350 làng nghề và làng có nghề tại Hà Nội, có một số làng nghề, làng có nghề đã bị mai một trong thời gian hoạt động. Hiện, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước bao gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề.
Đến nay TP. Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận, có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao.
Ngoài ra trên địa bàn Thành phố có 149 chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau hữu cơ cho thu nhập từ 2-3 tỷ đồng/ha/năm, trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 0,5-2 tỷ đồng/ha/năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh rằng hội chợ lần này không chỉ là một trong các hoạt động thiết thực chào mừng 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), 63 năm thành lập huyện Thanh Trì (31/5/1961-31/5/2023) mà còn tạo cơ hội giúp các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường.
Các sản phẩm làng nghề, HTX được người thăm quan đặc biệt yêu thích. |
Sự kiện cũng hướng tới mục tiêu gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp với phương châm thích ứng, an toàn và linh hoạt.
Việc tổ chức các hội chợ nhằm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề được ngành Nông nghiệp tổ chức thường xuyên, giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã tìm đầu ra cho sản phẩm và tạo điều kiện cho nhân dân, khách tham quan nhận diện, tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt gắn với thương hiệu, văn hóa lịch sử và cộng đồng của các địa phương.
Bên lề hội chợ còn diễn ra lễ công bố, trao bằng công nhận 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đón quyết định công nhận điểm du lịch Đại Áng, Yên Mỹ.
Hương Giang