Cả nước đã có 62/63 tỉnh đã thực hiện đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị tập huấn chuyên đề "Hướng dẫn địa phương, chủ thể OCOP sử dụng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm" cho thấy, đến nay, 5.021 sản phẩm của 2.776 chủ thể được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó 62,8% là sản phẩm 3 sao; 35,5% là sản phẩm 4 sao; 1,3% là sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Nút thắt trong đánh giá, phân hạng
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sau 3 năm triển khai đã giúp nâng tầm nông sản Việt và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, HTX. Chương trình này cũng tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất trên hầu hết diện tích đất nông nghiệp tại các tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Đi cùng với đó là có hiện tượng đánh giá cảm tính trong quá trình thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP khiến chất lượng sản phẩm chưa được bảo đảm.
Đặc biệt, từ quá trình thực hiện ở Trung ương và địa phương cho thấy hiện hồ sơ tham gia đánh giá OCOP rất dày, dài, yêu cầu rất nhiều giấy tờ chứng chỉ, quy trình sản xuất khác nhau gây áp lực cho cá cơ quan chức năng và các chủ thể.
Chẳng hạn đối với chủ thể là HTX, ngoài các tài liệu minh chứng về nhãn hiệu đang sử dụng: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của chủ thể; Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận (nếu có), tài liệu minh chứng về điều kiện an toàn thực phẩm thì HTX cần phải có tài liệu minh chứng về chủ thể hoạt động hiệu quả theo Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020. Trong đó, tài liệu đánh giá, phân loại HTX phải là của cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên. Ngoài ra, HTX phải có các hình ảnh minh chứng về thực hiện Kế hoạch/Đề án/Bản cam kết bảo vệ môi trường đang áp dụng.
Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP bằng phần mềm sẽ bảo đảm tính khách quan và phù hợp với tình hình dịch bệnh và nhu cầu phát triển công nghệ thông tin hiện nay. |
Còn đối với các cơ quan nhà nước, để đầy đủ 1 bộ hồ sơ, tỉnh phải tổ chức họp hội đồng đánh giá với sự tham gia của 26-27 thành viên. Đi kèm với đó là kinh phí chuẩn bị, phô tô tài liệu cũng rất lớn. Đó là chưa kể đến công tác lưu trữ, tác động đến môi trường từ những bộ hồ sơ làm bằng giấy.
Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết mới đây, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương mới đánh giá 20 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia nhưng phải tìm kiếm, tra cứu rất nhiều tài liệu để tham khảo nhưng cũng không bảo đảm các yếu tố để đánh giá.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Dịch bệnh phức tạp khiến công tác tổ chức đánh giá gặp khó khăn. Đi cùng với đó là vẫn còn hiện tượng đánh giá cảm tính trong quá trình thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP.
Đây là những hạn chế, những “nút thắt” trong quá trình triển khai từ quá trình đánh giá ở các cấp. Nếu những khó khăn này không được tháo gỡ thì công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm sẽ đi vào bế tắc. Các chủ thể tham gia cũng không thể nâng cao được chất lượng sản phẩm, từ đó khó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Cần thiết phải số hóa hồ sơ
Trước những khó khăn trên, ứng dụng chuyển đổi số trong phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP là điều vô cùng cần thiết và phù hợp.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã kết hợp với các đơn vị tiến hành phổ biến cho các địa phương, các chủ thể sử dụng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Trong phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP này, các chủ thể chỉ cần đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ sản phẩm online theo hướng dẫn. Các sản phẩm tham gia OCOP được các cơ quan chức năng đánh giá, chấm điểm theo 3 nhóm tiêu chí chính, gồm: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị, các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm. Kết quả chấm điểm sản phẩm OCOP sẽ là cơ sở để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố tiến hành chứng nhận, cấp sao cho sản phẩm.
Đặc biệt, với phần mềm này, các chủ thể, quản lý cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương đều có thể truy cập và có thể nắm rõ lịch trình thực hiện của các chủ thể nên rất thuận lợi cho công tác quản lý.
Nếu thực hiện theo Quyết định 1048/QĐ-TTg, các chủ thể phải nộp 1 bộ hồ sơ giấy lên trên quản lý cấp huyện. Quản lý cấp huyện sẽ tổ chức hội đồng chấm hồ sơ đó. Những bất cập là khi hồ sơ đã nộp đi rồi thì không thể bổ sung được nữa. Còn đối với phần mềm chỉ là số hóa dữ liệu, quản lý địa phương vẫn cho phép trước giờ chấm chủ thể được bổ sung hồ sơ mà không mất nhiều công sức đi lại.
Theo các chuyên gia, sử dụng phần mềm sẽ giúp việc phân hạng, đánh giá sản phẩm vẫn được đảm bảo thông suốt trong tình hình dịch bệnh hiện nay và giúp công tác quản lý, tìm kiếm thông tin được thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết ứng dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm không chỉ giảm bớt thủ tục, dễ dàng tìm kiếm thông tin, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường mà góp phần đẩy nhanh quá trình chuẩn bị hồ sơ, đánh giá sản phẩm của các cơ quan một cách hiệu quả, công khai và bền vững.
“Hướng đến xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Đây cũng là phương thức đẩy mạnh phát triển các hình thức thương mại sản phẩm OCOP; trong đó có thương mại điện tử”, ông Tiến chia sẻ.
Huyền Trang