Theo lãnh đạo một số HTX nông nghiệp, những năm gần đây, việc tuyển lao động trẻ có trình độ kỹ thuật, có bằng cấp về làm việc tại HTX không hề dễ dàng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển chung của HTX, mà còn khiến ngành nông nghiệp và nông thôn cả nước bị tác động tiêu cực.
Sợ "chân lấm, tay bùn"
Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chư A Thai (Gia Lai), cho biết hiện HTX chỉ có 3 người có bằng cấp từ trung cấp đến đại học. Điều này là chưa đủ, nhất là HTX đang thiếu nhân lực về quản trị HTX và ứng dụng công nghệ thông tin nhưng chưa tuyển được trong nhiều năm nay.
Cho biết nguyên nhân khó tuyển lao động chất lượng cao về làm việc, ông Phạm Ngọc Nghĩa cho rằng có thể HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà theo các bạn trẻ hiện nay thì nông nghiệp là ngành phải làm những công việc vất vả, lam lũ “chân lấm, tay bùn”, phụ thuộc vào thời tiết và mất nhiều công sức nên họ không lựa chọn.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, nhiều công việc mới xuất hiện với môi trường làm việc năng động, và mức lương tốt hơn nên nhu cầu làm việc của nhiều người đối với nông nghiệp, HTX dường như bị lãng quên.
Việc các HTX thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là điều dễ hiểu vì theo Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng năm 2022 chỉ có khoảng 2% sinh viên học lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số hơn 500.000 sinh viên nhập học. Việc ít có người học chuyên ngành về nông nghiệp cũng khiến cho công tác đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại HTX khó khăn hơn.
Nhân lực chất lượng cao vẫn là bài toán khó đối với các HTX và ngành nông nghiệp. |
Chính vì vậy mà khu vực kinh tế tập thể, HTX dù đang thu hút khoảng 8 triệu người tham gia nhưng chủ yếu ở độ tuổi trung niên và lớn tuổi, vừa làm, vừa học các thao tác kỹ thuật đơn giản. Vì vậy, nhiều HTX dù đầu tư công nghệ như nhà lưới, hệ thống máy móc hiện đại nhưng vì không đủ nhân lực chất lượng cao nên phải thuê doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo thành viên theo hình thức vừa học vừa làm, hoặc thuê nguồn nhân lực từ các đơn vị hỗ trợ lắp đặt máy móc theo kiểu thời vụ.
Có HTX tuyển được lao động trẻ về làm việc nhưng có thể không đúng chuyên môn nên sau đào tạo, họ ít gắn bó lâu dài. Còn những người gắn bó với HTX thì chủ yếu là lớn tuổi, trình độ và sức khỏe để tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến hạn chế. Vấn đề này ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong HTX.
Đó cũng là lý do mà hiện nay, nhiều HTX sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức người, ít có sự hỗ trợ hoặc hỗ trợ không đồng bộ từ máy móc, công nghệ hiện đại.
Giải quyết điểm yếu lao động mà HTX đang thiếu
Hiện, nền nông nghiệp nói chung, các HTX nông nghiệp nói riêng đang hướng đến sản xuất theo quy mô lớn, do đó đòi hỏi phải nâng cao trình độ sản xuất cho người lao động để đáp ứng được yêu cầu trong thực tiễn.
Tuy nhiên, có một thực tế khách quan là ngành nông nghiệp cũng như các HTX hiện nay chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để thu hút người lao động có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, thu nhập từ các HTX còn thấp, giá cả sản phẩm nông nghiệp luôn trong tình trạng được mùa mất giá, các loại chi phí về vật tư, dịch vụ nông nghiệp khá đắt đỏ.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến năm 2025, Việt Nam cần 100.000 nông dân được đào tạo kỹ thuật nông nghiệp, 60.000 người làm dịch vụ kỹ thuật và kinh doanh vật tư nông nghiệp, 80.000 cán bộ HTX nông nghiệp, 10.000 cán bộ quản lý nông nghiệp.
Như vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực kinh tế tập thể, HTX là không hề nhỏ. Để giải quyết được điều này, cần nhìn nhận rằng ngành nông nghiệp nói chung và khu vực kinh tế tập thể, HTX hoạt động rất đa dạng, ở các lĩnh vực, ngành nghề. Và trong HTX nông nghiệp cũng có rất nhiều đặc thù nên công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này cũng cần có hướng đi đặc trưng.
Dù là đào tạo chính quy, phi chính quy nhưng cần xác định ở các HTX, việc đào tạo nguồn nhân lực cần phong phú với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường, viện thì cũng cần có những khóa đào tạo trực tiếp trên đồng ruộng, đào tạo tại cơ sở làm việc thì mới phù hợp với đặc thù của mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lao động và cán bộ trong các HTX đang thiếu khá nhiều kỹ năng về quản lý, quản trị HTX, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, tính tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp... Điều này dẫn tới giá trị và chất lượng nông sản chưa cao, gây khó khăn trong việc tiêu thụ, mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, muốn có được những kỹ năng này để làm việc trong HTX, cần hình thành tư duy làm nông nghiệp hàng hóa, tư duy liên kết, tư duy sản xuất theo chuỗi cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế của trường trung học phổ thông. Đây là hướng đi thành công mà các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đang làm, trong khi Việt Nam còn bỏ ngỏ.
Đại diện một số HTX cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể phải chặt chẽ, đòi hỏi khác biệt so với các lĩnh vực khác. Việc đào tạo của các trường phải giải quyết các điểm yếu kỹ năng lao động mà các HTX đang thiếu như năng lực đưa công nghệ mới vào ngành nông nghiệp, phát triển chuỗi, phát triển thị trường... thì mới giúp HTX giải quyết được những khó khăn.
Bên cạnh đó, việc định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ cũng cần được quan tâm để họ có nhận thức đúng về kinh tế tập thể, HTX. Nhiều bạn trẻ chưa nhận thức được rằng khi làm việc tại HTX, về lâu về dài vẫn có thể phát triển sự nghiệp của bản thân. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như sự phát triển lớn mạnh của các HTX.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho rằng việc Nhà nước xác định vai trò của kinh tế tập thể, HTX là một trong những thành tố quan trọng trong nền kinh tế quốc dân để có đầu tư phù hợp cũng là điều quan trọng giúp tháo gỡ những khó khăn về nguồn nhân lực cho các HTX.
Ngay như Dự án hoàn thành “Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT) thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đã tập trung hỗ trợ các HTX. Hiện, ngoài tập trung hỗ trợ các HTX về phát triển chuỗi, xây dựng kế hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, Dự án còn hỗ trợ các HTX về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, 200 HTX ra đời từ dự án này, thì nguồn nhân lực trong HTX đã phần nào khỏa lấp được những khoảng trống trong kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và phát triển chuỗi, từ đó giúp HTX hình thành được liên kết với doanh nghiệp, tạo thành chuỗi cà phê, lúa gạo bền vững.
Huyền Trang