Đang làm nghề nuôi ong, một số thành viên HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng (Lạng Sơn) vẫn muốn phát triển thêm mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Đặng Thị Ngoan, khi tìm hiểu, các thành viên HTX thấy rằng nếu xây dựng chuồng trại trên đất rừng thì vi phạm một số quy định pháp luật nên các thành viên chưa dám đầu tư, mở rộng sang chăn nuôi gà.
Khó đầu tư chuyên nghiệp
Hay như tại Bình Định, năm 2022, địa phương này đã có Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022-2026 nhưng đến nay hiệu quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân là vì quá trình triển khai, người dân, HTX gặp khó khăn trong xây dựng chuồng trại cố định trên rừng.
Có thể thấy, không chỉ nuôi gà, mà các hình thức chăn nuôi khác trên rừng của người dân, HTX hiện nay gặp phải vướng mắc là khi cần xây dựng chuồng trại thì vi phạm pháp luật, từ đó gây cản đà phát triển sản xuất, nhất là những mô hình quy mô lớn. Nhiều mô hình chăn nuôi đang tận dụng đất rừng hiện nay, người dân, HTX chỉ làm theo hình thức chăn, thả rong, “du canh du cư”, không cố định nên hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao, chăn nuôi chưa theo hướng chuyên nghiệp.
Để chăn nuôi trở nên chuyên nghiệp cần quan tâm tạo điều kiện để người dân, HTX có thể đầu tư chuồng trại trên đất rừng. |
Căn cứ theo Luật Đất đai 2013, đất rừng sản xuất và đất xây dựng trang trại được xếp vào cùng một nhóm đất là đất nông nghiệp nên không thể xây dựng trang trại cố định trên đất này. Khi muốn xây dựng trang trại trên rừng, người dân, HTX phải xin thực hiện chuyển mục đích sử dụng từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương. Nếu không làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng, người dân, HTX sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, nhiều HTX làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng lên cơ quan quản lý cấp quận/huyện để đầu tư cho chăn nuôi bài bản lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là cơ quan quản lý này cho rằng cấp quận, huyện cũng không đủ thẩm quyền để đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng cho người dân, HTX.
Thấp thỏm, lo âu
Theo các chuyên gia, việc phát triển chăn nuôi trên rừng là chủ trương và hướng đi phù hợp với nhiều địa phương, nhất là các vùng nông thôn có địa hình đồi núi, đất rừng nhằm phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Vật nuôi trên rừng được đánh giá là có chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm thiết yếu, có chất lượng bảo đảm cho người tiêu dùng. Đây cũng là hình thức chăn nuôi đặc trưng được ngành nông nghiệp nhiều địa phương định hướng cho người dân, HTX phát triển.
Đặc biệt, trong khi Luật Chăn nuôi hiện nay quy định trang trại chăn nuôi nhỏ, không bảo đảm yếu tố môi trường phải di dời khỏi khu dân cư, nội thành, nội thị, khu công cộng, khu du lịch, thì việc phát triển chăn nuôi trên đồi, trên rừng được coi là khả thi với nhiều địa phương, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, giải quyết tình trạng thiếu đất trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc gặp khó trong xây dựng trang trại trên đất rừng đang làm hạn chế sự phát triển của mô hình chăn nuôi hàng hóa, quy mô lớn. Bởi muốn chăn nuôi hiệu quả, hạn chế rủi ro thì cần có không gian, quỹ đất đủ lớn để xây dựng chuồng trại phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng chặt chẽ, khắt khe của các quy trình chăn nuôi.
Khó khăn này cũng không khác gì với thực trạng nhiều người dân, HTX, doanh nghiệp làm du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm nhưng không được xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất nông nghiệp. Trong khi loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch canh nông chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp, và yêu cầu của hoạt động kinh doanh du lịch canh nông là phải có đường đi, nhà vệ sinh, khu trưng bày, nhà chờ, bãi đậu xe… để bảo đảm phục vụ du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ…
Chính vì vậy, muốn phát triển chăn nuôi trên đồi, rừng hiệu quả thì cần phải hiểu rằng khi chăn nuôi theo bất kỳ một mô hình nào cũng cần phát triển theo hướng tập trung. Muốn chăn nuôi tập trung thì phải đảm bảo được tính đặc thù của ngành là có thể phát triển chăn nuôi trên đất nông nghiệp, có thể xây dựng được chuồng trại lâu dài, đảm bảo yêu cầu vệ sinh phòng bệnh cho con người, vật nuôi và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong khi đó, đầu tư cho sản xuất chăn nuôi gặp rất nhiều rủi ro, đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Trang trại chăn nuôi là cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và môi trường…
Nếu không tạo điều kiện cho người dân, HTX chuyển đổi mục đích sử dụng đất dưới tán rừng hoặc không sửa đổi các quy định pháp luật một cách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho xây dựng chuồng trại trên đất rừng thì việc phát triển các mô hình chăn nuôi như gà đồi, dê núi, gà rừng… sẽ chỉ mãi nhỏ lẻ, manh mún. Bởi người dân, HTX chỉ dám dựng tạm lán trại ở khu không có cây rừng để chăn nuôi nhằm bảo đảm quy định không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất lâm nghiệp thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao, chăn nuôi sẽ không được lâu dài.
Đặc biệt, khi các HTX dù có chăn nuôi theo kiểu tạm bợ cũng vẫn luôn thấp thỏm vì không bảo đảm các yếu tố vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, thậm chí có thể phải phải di dời, ngừng hoạt động bất cứ lúc nào. Như vậy, ngành chăn nuôi cũng khó có thể phát triển bền vững và người chăn nuôi, thành viên HTX lúc nào cũng lo lắng, không dám đầu tư…
Huyền Trang