Thời điểm bà Cuối về nước lập nghiệp, vấn nạn thực phẩm bẩn ám ảnh trong từng bữa cơm gia đình, khiến người dân mất lòng tin vào rau sạch, rau hữu cơ. Trước thực trạng đó, bà Cuối thành lập HTX sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) với 9 thành viên, trên tổng diện tích canh tác 5ha. Sau 2 năm, thương hiệu rau Cuối Quý tạo được tiếng vang trên thị trường, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên.
16 năm “nuôi” giấc mơ khởi nghiệp
Nhắc đến HTX Cuối Quý, không thể không nhắc đến câu chuyện khởi nghiệp đầy gian nan nhưng cũng đầy tự hào của vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quý và bà Đặng Thị Cuối.
16 năm bôn ba đất khách quê người, vợ chồng bà Cuối đã tích lũy đủ kiến thức và vốn liếng, sẵn sàng hiện thực hóa giấc mơ về trang trại rau hữu cơ của người Việt, do người Việt làm chủ.
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Cuối Quý đang kiểm tra vườn dưa chuột. |
Nếu so sánh với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam (73,6 tuổi, số liệu năm 2019) thì ông Quý, bà Cuối đã dành hơn 1/5 cuộc đời để chắt chiu, nuôi dưỡng ước mơ “làm chủ”.
Bà Cuối kể, ban đầu bà chỉ có ý định đi xuất khẩu để lấy vốn làm ăn, tuy nhiên khi được “mục sở thị” về nông nghiệp thông minh tại Đài Loan, bà Cuối thực sự choáng ngợp về những thứ mà trước đây bà chỉ được nhìn qua ti vi.
“Tôi vô cùng ấn tượng với các trang trại trồng rau công nghệ cao ở đây. Chỉ với 1ha, họ có thể sản xuất 3-4 tấn rau/tháng. Đặc biệt, rau được trồng trong nhà kính hoặc trang trại thẳng đứng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương hiện đại”, bà Cuối hào hứng nói.
Bao nhiêu tiền của, bà đổ cả vào trang trại rau. Những khung sắt được dựng lên, hạt mầm gieo xuống, những người nông dân tưới “mồ hôi, nước mắt” của mình cho cây rau nhanh lớn, chẳng mấy chốc cánh đồng rau 5ha của HTX bạt ngàn màu xanh.Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới rộng 4.000m2 với những luống rau xanh tươi mơn mởn, bà Cuối chỉ tay vào hệ thống nhà lưới, nói: “Người ta đi xuất khẩu lao động gửi tiền, vàng về, còn vợ chồng tôi lỉnh kỉnh gửi về những kiện hàng to đùng, mở ra chỉ toàn bạt nylon, dây buộc, dây chằng, khung sắt”.
Viết tiếp câu chuyện nông dân thời đại 4.0
Gọi những thành viên trong HTX Cuối Quý là “nông dân mới” quả không sai vì họ không chỉ canh tác hữu cơ bảo vệ môi trường mà còn “rành rọt” về khoa học kỹ thuật, công nghệ giúp sản xuất hiệu quả và cách “chào hàng” độc đáo khiến khách nườm nượp tới mua.
Nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới, hoạt động sản xuất của HTX thuận lợi hơn rất nhiều do không còn quá phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. HTX đầu tư hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước và điều tiết nhiệt độ.
Nông nghiệp hữu cơ giúp cải tạo đất và môi trường tốt. |
Từ những kinh nghiệm học được trong thời gian đi xuất khẩu lao động, bà Cuối chia sẻ và cho các thành viên trồng rau theo phương pháp hữu cơ. Hình thức canh tác độc đáo “5 không”, đó là: Không phun thuốc diệt cỏ; Không phân bón hóa học; Không thuốc BVTV; Không kích thích tăng trưởng; Không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và “giữ chân” thiên địch.
Ngoài canh tác các loại rau theo mùa, HTX còn trồng đa dạng các loại rau củ trái mùa, có giá trị kinh tế cao như su hào, măng tây, bông hẹ, cải bắp tí hon… Nhìn vào trang trại rau xanh non nhưng tuyệt nhiên rất ít sâu bọ.
Trao đổi PV, bà Cuối tiết lộ: “Bí quyết trừ sâu hiệu quả của chúng tôi là bắt sâu, ngâm ủ hoại tử với chế phẩm sinh học để tạo thành phân tưới vi sinh cho cây, sâu “uống” dung dịch này cứ thế yếu dần và chết”.
Người lao động thu hoạch dưa chuột và thưởng thức ngay tại vườn. |
Cũng phải nhắc lại, thời điểm vợ chồng bà Cuối khởi nghiệp, vấn đề thực phẩm bẩn vô cùng nhức nhối nên việc bán hàng gặp nhiều khó khăn. Nhớ lại, bà Cuối nói: “Có rau sạch bán mà không ai tin, không ai mua. Họ bảo rau hữu cơ gì mà xanh mướt thế này. 4-5 ngày đầu mang rau đi lại mang về. Tôi nảy ra ý định gặp ai cũng biếu, tặng họ ăn thử. Thấy sạch, ngon người dân từ đó tin tưởng và trở thành khách hàng thân thiết”.
Hiện, đầu ra của HTX Cuối Quý là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng và "đầu vào" cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, 6 chợ đầu mối trong vùng. Bình quân 1 tháng thu 5 – 6 tấn rau sạch, giá bán bình quân 40.000-50.000 đồng/kg, doanh thu đạt 150 triệu đồng/sào. Thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình… song, sản lượng của HTX vẫn chưa đáp ứng đủ các đơn hàng của khách.
Thời gian tới, HTX sẽ thuê thêm đất để trồng dâu tây, cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng; đồng thời xây dựng mô hình nông trại kết hợp du lịch sinh thái cho các gia đình và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có thể nói khó khăn về vốn đang kìm hãm sự phát triển của HTX.
Điều bà Cuối mong mỏi nhất lúc này là nếu được hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, HTX tự tin có thể cung cấp đủ rau sạch cho các trường học trong địa bàn huyện và một số khách hàng liên tỉnh. "Chúng tôi rất mong Liên minh HTX các cấp và chính quyền địa phương nhìn nhận về tính hiệu quả của mô hình và tiếp sức cho HTX". Bà Cuối nói.
Xuân Mai