Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu, việc người dân tham gia tổ hợp tác, HTX hiện nay không dừng ở mức khuyến khích mà gần như là tiêu chí bắt buộc để không bị bật ra khỏi sự phát triển của thị trường cũng như đảm bảo chính lợi ích của người nông dân.
Chưa hiểu nên chưa "mặn mà"
Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX rau hữu cơ Bái Thượng (Hà Nội) cho biết, chỉ có vào HTX mới đảm bảo quy trình sản xuất đồng bộ, chất lượng sản phẩm được bảo đảm theo một quy trình. Và đây cũng là yêu cầu của hầu hết các siêu thị, nhà phân phối, nhà nhập khẩu nhằm thuận tiện trong việc quản lý chất lượng nông sản, ký kết hợp đồng.
Đặc biệt, trong thời buổi hiện nay, những nông dân nào không tham gia mô hình kinh tế tập thể (KTTT) thì chắc chắn sẽ rất khó khăn trong tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt, rất nhiều nông sản, hàng hóa được sản xuất trên quy mô lớn. Chỉ trừ một số nhỏ nông dân sản xuất theo quy mô hộ có thể tìm đầu ra cho hàng hóa nhưng họ đều phải có năng lực tự tiêu thụ và quản lý rủi ro hiệu quả.
Vậy nhưng hiện nay, nhiều người do ảnh hưởng từ những mô hình HTX kiểu cũ nên chưa tin tưởng vào mô hình HTX dù việc sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún hiện chưa mang lại hiệu quả.
Rất nhiều HTX ở Đồng Tháp được hình thành từ hội quán, tổ hội nghề nghiệp. |
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Dâu tằm tơ Hòa Lễ (Đắk Lắk) cho biết lúc đầu thành lập HTX, ngay người thân và bà con làng xóm cũng có tâm lý mất niềm tin vào mô hình HTX. Có người còn gàn và khuyên bà không nên sản xuất kinh doanh theo mô hình HTX mà nên thành lập doanh nghiệp. Nhưng sau đó, bằng sự quyết tâm và sự giúp đỡ của địa phương, HTX Hòa Lệ đã đi vào hoạt động hiệu quả.
Có thể thấy, việc nhiều người dân chưa thực sự mặn mà với mô hình HTX có thể do họ chưa có điều kiện, thời gian tiếp xúc, làm quen với những mô hình KTTT hoạt động hiệu quả để hiểu hơn về mô hình này.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng việc tham gia HTX sẽ bị bó buộc nhiều điều kiện, việc vận hành sẽ khó khăn, không thuận lợi như mô hình doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân chưa quen hoặc chưa mong muốn vào HTX là vì họ nghe và nhìn thấy những mô hình HTX thành lập theo phong trào. Những HTX kiểu này có đăng ký kinh doanh nhưng lại không hoạt động, không phát huy được vai trò dẫn dắt, hỗ trợ nông dân đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó chưa tạo được niềm tin, thuyết phục nông dân tham gia. Tuy nhiên, những HTX như vậy thực chất không chiếm tỷ lệ lớn.
Đi lên từ hội quán, tổ hội nghề nghiệp
Để giải quyết vấn đề này, một giải pháp phù hợp được các chuyên gia đưa ra là nên thành lập những mô hình hội quán, hội nhóm cùng sở thích, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp.
Với những mô hình này, người dân ở gần nhau sẽ bước đầu liên kết tham gia sản xuất cùng một số loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh. Những hội quán, tổ nhóm cùng sở thích cũng có nội quy hoạt động nhưng sẽ ở mức đơn giản hơn so với nội quy, quy định của các HTX, Liên hiệp HTX. Điều này khiến người dân cảm thấy không quá bị gò bó.
Khi thành lập hội quán, hội nhóm cùng sở thích, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, tức là người dân cũng sẽ có địa điểm để gặp mặt, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh. Địa điểm đó là thể là một nhà thành viên trong hội nhóm, có thể là một quán cà phê…, nhưng họ được nâng cấp mức độ gặp nhau, mức độ chia sẻ thông tin hơn là khi sản xuất đơn lẻ. Từ đây, những thông tin mới về sản xuất của địa phương, của cả nước về xuất nhập khẩu có thể được các thành viên chia sẻ và cập nhật.
Ông Nguyễn Lâm Hồng, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết nông dân là một tổ chức lớn mạnh nhưng cần người nhạc trưởng tiên phong, dẫn dắt. Việc xây dựng các mô hình như hội quán, hội nhóm cùng sở thích, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp… thực chất đã tạo tiền đề quan trọng để thành lập HTX, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về việc tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong giai đoạn mới.
Nghị quyết số 13-NQ/TW đã khẳng định, KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, phổ biến hơn cả là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; trong đó HTX là nòng cốt của KTTT.
Như vậy, mô hình hội quán, nhóm cùng sở thích, chi hội/tổ hội nghề nghiệp cũng là một trong những hình thức của KTTT nhưng ở mức độ liên kết thấp hơn. Khi người dân tham gia những mô hình này, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Nhà nước về KTTT, HTX, đồng thời giới thiệu các mô hình tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả sẽ giúp tư duy và cách hiểu của họ về HTX được đúng đắn hơn.
Từ những mô hình này, các ban ngành sẽ tư vấn, hỗ trợ nông dân sản xuất giỏi, tổ hội nghề nghiệp, hội quán… phát triển thành HTX khi đạt điều kiện chín muồi.
Theo ông Nguyễn Lâm Hồng, để phát triển được những mô hình này, Hội Nông dân đang kết hợp các nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước đồng thời phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam để đào tạo bồi dưỡng các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ các tổ hội nghề nghiệp, hội quán thành giám đốc các HTX để đảm bảo HTX phát triển được bền vững, hiệu quả.
Ông Cảnh Chí Quân, Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam, cho rằng việc đưa người dân ở các tổ hợp tác, hội quán, tổ hội nghề nghiệp đi thăm các HTX tiêu biểu về sản xuất bằng công nghệ thông minh, chuyển đổi số thành công sẽ giúp họ có kinh nghiệm thực tiễn để triển khai mô hình của mình hiệu quả và tự thôi thúc họ phát triển thành các HTX, Liên hiệp HTX.
Nhìn chung, tiềm năng và cơ hội phát triển của ngành nông nghiệp được đánh giá là có triển vọng rất tốt trong tương lai. Chính vì vậy, để thúc đẩy các hình thức KTTT, HTX phát triển, rất cần các hỗ trợ về chính sách, nhu cầu thị trường và tiến bộ công nghệ từ phía Nhà nước. Điều này không chỉ giúp củng cố niềm tin của người dân về mô hình KTTT mà còn giúp thúc đẩy sự tăng trưởng chung của KTTT, HTX, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Đồng thời, người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn cũng cần nắm bắt các cơ hội phát triển từ các hình thức KTTT để giải quyết được bài toán nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống từ chính mảnh đất của mình.
Huyền Trang