Tại huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), người dân từ lâu đã biết đến nghề nuôi ong lấy mật, nhưng do quy mô nuôi nhỏ lẻ, thiếu gắn kết nên hiệu quả chưa cao. Những năm gần đây, với sự ra đời của HTX nuôi ong đã xây dựng và phát triển thương hiệu "Mật ong Tuyên Hóa" với chuỗi giá trị khép kín, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có uy tín trên thị trường.
Xây dựng chuỗi giá trị mật ong
Đến tham quan HTX Nông nghiệp nuôi ong mật Quyết Thắng (xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hoá), chứng kiến những đõ ong đầy mật đặt san sát nhau dưới những vườn cây rừng trồng.
Ông Nguyễn Quyết Thắng giới thiệu nghề nuôi ong mật Tuyên Hóa |
Ông Nguyễn Tiến Khang, ở thôn Thượng Lào, một thành viên của HTX cho hay, gia đình có 4ha đất lâm nghiệp trồng cây keo và bạch đàn, nên nuôi 14 đàn ong. Trước đây, chỉ nuôi 1-2 đàn ong cho vui nhà, mật để biếu anh em họ hàng từ nơi khác đến. Nay nhờ có HTX, ong đã thành nghề nuôi hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho gia đình mỗi năm 120 triệu đồng.
Chủ nhiệm HTX Nguyễn Quyết Thắng là người đã gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật gần 20 năm. Trước đây, những người nuôi ong trong xã Thuận Hóa như ông Thắng đã tự thành lập câu lạc bộ nuôi (CLB) ong để cùng nhau chia sẻ, học hỏi bí quyết, kinh nghiệm trong nghề và cùng đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn, vất vả. Tuy có CLB, nhưng nghề nuôi ong của nông dân Thuận Hóa vẫn bấp bênh suốt nhiều năm, sản phẩm làm ra nhiều thời gian không tiêu thụ được.
Năm 2014, CLB nuôi ong xã Thuận Hóa "bắt tay" với Công ty TNHH Sinh thái miền Tây Quảng Bình để đưa nghề nuôi ong lên một tầm cao mới, chuyên nghiệp và hiện đại hơn.
Ông Thắng cho biết, hiện tại, mọi khâu trong sản xuất mật ong đã chủ động hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, bà con thụ động chờ người đến thu mua, có khi sản phẩm làm ra phải đợi đến cả năm mới đến được tay người tiêu dùng, thì nay công ty đến thu mua tận nơi, có nhãn mác, chai hũ đóng gói đẹp mắt, yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty cũng thường xuyên có sự tập huấn, giám sát, trả lời thắc mắc về kỹ thuật cho người nuôi ong.
Là một người có nhiều năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD), đóng tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, chuyên thực hiện các dự án hỗ trợ sinh kế cho người nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Châu Văn Huệ nhận thấy vùng núi Tuyên Hóa được thiên nhiên ban tặng nhiều loài hoa và thảo mộc quý để tạo ra mật ong thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy, năm 2014, ông Huệ và những người bạn đã thành lập Công ty TNHH Sinh thái miền Tây Quảng Bình. Ông Huệ cho biết, công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội với mục tiêu hỗ trợ người nuôi ong ở các xã miền Tây của tỉnh xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong. Bên cạnh đó, công ty tư vấn, hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, kỹ năng cho các hộ nuôi ong; cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi ong tự sản xuất và quản lý chất lượng mật ong trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
“Hiện nay, quy trình sản xuất, xử lý và thành phẩm của "Mật ong Tuyên Hóa" đều được giám sát chặt chẽ, từ khâu lấy mẫu, phân loại, xử lý mật bằng máy hạ thủy phần cho đến kiểm định chất lượng, đóng chai. Ðể phát triển và khẳng định thương hiệu "Mật ong Tuyên Hóa", công ty đã hợp tác với các chuyên gia hàng đầu về nghề nuôi ong lấy mật trong việc tư vấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong. Bên cạnh đó, nhờ máy hạ thủy phần công suất 200 lít/lần, nên lượng thủy phần trong mật hạ xuống, làm cho mật béo và thơm ngon hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Huệ nói.
HTX ra đời, nghề nuôi ong “căn cơ”
Chia sẻ về chuỗi sản xuất mật ong Tuyên Hóa, ông Nguyễn Quyết Thắng cho hay, sau bước đột phá thứ nhất là liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Sinh thái miền Tây Quảng Bình, là sự ra đời của HTX nuôi ong.
Nhờ có nhãn hiệu và chứng nhận sản phẩm sạch, nên giá bán mật tăng cao, hiện HTX thu mua từ thành viên với giá 150.000 đồng/kg |
HTX Nông nghiệp nuôi ong lấy mật Quyết Thắng thành lập ngày 9/8/2016 tại xã Thuận Hóa, từ sự tư vấn hỗ trợ của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) do Quỹ phát triển quốc tế IFAD tài trợ. Ngay sau khi ra đời, HTX đã đăng ký nhãn hiệu, đảm nhận dịch vụ thu mua toàn bộ sản phẩm cho xã viên, đóng chai, dán nhãn và tiêu thụ trên thị trường. HTX giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi ong của từng thành viên, đảm bảo ong nuôi chỉ hút nhụy hoa để tạo mật, không gia đình nào được đưa đường vào trong các đõ ong. HTX cũng nghiêm cấm xã viên đưa kháng sinh vào đàn ong, khi ong bị bệnh phải được xử lý theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Nhờ vậy, mật ong luôn sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng thơm ngon.
Trước đây, từng hộ gia đình tự tiêu thụ sản phẩm, thường phải chờ người quen, họ hàng đến mua, nên giá bán rất thấp, chỉ khoảng 70-90 nghìn đồng/kg. Từ khi HTX đảm nhận toàn bộ khâu tiêu thụ, nhờ có nhãn hiệu và chứng nhận sản phẩm sạch, nên giá bán tăng cao, hiện HTX thu mua từ thành viên với giá 150.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Xuân Trường, cán bộ của Dự án SRDP cho hay, Dự án quan tâm đến các chuỗi giá trị nông sản vì người nghèo. Một trong những chuỗi giá trị nông sản được Dự án SRDP thiết lập là chuỗi nuôi ong lấy mật ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình. Đây là những vùng có điều kiện tự nhiên gần rừng, dựa trên khai tác bền vững. Đối với chuỗi giá trị ong mật, dự án đã có một loạt hoạt động khảo sát, đánh giá chuỗi giá trị trong vòng 3 năm, đồng thời đào tạo nâng cao năng lực cho các hộ thành viên để hình thành nên những tổ hợp tác. Dự án cũng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bằng việc mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm mật ong của các HTX, cung cấp nhãn mác để người tiêu dùng biết đến.
Hiện nay, sản phẩm "Mật ong Tuyên Hóa" đã có mặt khắp nơi trong tỉnh Quảng Bình và khu vực miền Trung, các siêu thị lớn, nhờ đó đã góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân ở huyện miền núi Tuyên Hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Quyết Thắng đưa ra con số so sánh để thấy rõ sự đổi thay đối với nghề nuôi ong ở huyện Tuyên Hóa: Năm 1998, CLB nuôi ong xã Thuận Hóa chỉ có 43 đàn ong mật, thu về 175kg mật/năm, thu nhập mỗi thành viên cao nhất cũng chỉ 15 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2015, ở xã Thuận Hóa có 30 hộ nuôi ong với 200 đàn ong, sản lượng mật hàng năm 800kg. Sau hơn 3 năm HTX phát triển, năm 2019, tổng đàn ong của HTX lên tới 600 đàn, thu về 3 tấn mật và thu nhập bình quân từ 60 -80 triệu đồng/hộ/năm.
Chu Khôi