Trên các diễn đàn TikTok, khắp nơi đều thấy người người dân đổ xô mua măng cụt xanh vì đây là nguyên liệu chính trong món gỏi gà đang gây sốt.
Nhận ra điểm yếu của sản xuất phong trào
Với độ hot như hiện nay, giá măng cụt xanh đã đi lên nhanh chóng. Mỗi kg ruột măng cụt xanh được bán trên thị trường với giá từ 450.000-700.000 đồng/kg, đắt gấp 9-10 lần so với măng cụt chín, còn quả măng cụt xanh có giá khoảng 60.000-80.000 đồng/kg.
Cũng chỉ khoảng một tháng trước, món trà mãng cầu lần đầu xuất hiện trên TikTok, rồi thức uống này phất lên nhanh chóng kéo theo sự khan hiếm của quả mãng cầu trên thị trường. Hiện, mãng cầu tươi ở Hà Nội được bán với giá 40.000-65.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm ngoái.
Có thể thấy, xu hướng bùng nổ các nông sản là đặc sản địa phương như măng cụt, mãng cầu cũng là cơ hội để các nhà vườn, HTX có cơ hội để kinh doanh, nâng cao thu nhập. Bởi nếu như thông thường, các quả măng cụt xanh làm gỏi là quả bị tỉa loại bớt hoặc chưa đạt chuẩn. Vì vậy, nếu HTX, chủ vườn nào có mối liên kết thì có thể bán với các mức giá khác nhau, còn lại sẽ được bỏ tại gốc để quả tự thối.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là phong trào không bền vững, không khéo lại làm xáo trộn tình hình sản xuất canh tác của bà con nông dân và HTX. Bởi, người dân thường thấy nông sản nào bán được giá cao sẽ đầu tư trồng nhiều, tới khi hết trend, đầu ra khó khăn, lại bắt đầu kêu gọi giải cứu. Hay việc nhà nhà, người người mua măng cụt non để làm món ăn cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường và chuỗi cung ứng măng cụt chín.
Ông Kim Văn Vang, đại diện HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Đức Phổ (Lâm Đồng), cho rằng không biết những loại cây trồng khác thì thế nào, nhưng riêng măng cụt rất khó chạy theo trend. Nguyên nhân là từ cây giống đã có giá cao, thêm nữa cây lớn chậm và rất lâu mới cho trái. Người dân trồng nhanh nhất cũng khoảng 7-8 năm mới cho quả bói, và mới đầu rất ít trái. Chỉ khi trồng càng lâu năm, trái càng ra nhiều.
“Vậy nên, hiện giờ thấy giá măng cụt đắt mà lao theo là rất nguy hiểm, bởi nó cũng giống như ở ngoài chợ, nếu có một hàng bán thì đắt, nhưng khi có thêm nhiều người bán cùng một loại mặt hàng đó thì chắc chắn sức tiêu thụ ắt sẽ giảm, thậm chí ế ẩm”, ông Vang nói...
Trước sự nhìn nhận của HTX có thể thấy người dân đã dần nhận ra điểm yếu của việc sản xuất theo trào lưu để tránh mở rộng diện tích dồn dập.
Nhưng từ việc măng cụt, mãng cầu trở thành trend trong thời gian gần đây cũng cần nhìn nhận rằng, chỉ từ những nông sản quen thuộc nhưng với cách chế biến khác nhau, biết tận dụng những nông sản thừa thì giá trị kinh tế và thương hiệu mang lại cho người dân, HTX trực tiếp sản xuất là không hề nhỏ.
Chẳng hạn như quả mãng cầu xiêm, giá bán tươi tại vườn rơi vào khoảng 18.000-25.000 đồng/kg nhưng khi chế biến thành sinh tố, nước ép, trà, ủ thành rượu, mứt…, giá trị được nâng lên gấp nhiều lần. Hiện, giá bán trà mãng cầu xiêm theo kiểu túi lọc trên thị trường đang là 800.000-1.200.000 đồng/kg. Hay một ly trà mãng cầu tươi có lúc được bán ở cửa hàng với giá 37.000 đồng.
Dưới góc độ quảng bá văn hóa ẩm thực, trend gỏi gà măng cụt đã giúp người dân, HTX nâng cao thu nhập. |
Ông Trương Lương, Giám đốc HTX Phan Long (Bình Thuận), cho biết nếu 1 kg thanh long tươi giá bán tại vườn có khi chỉ 6.000-10.000 đồng nhưng khi sấy khô và xuất khẩu thì sẽ có giá khoảng 15-16 USD/kg. Trong khi chế biến cũng là cách thu hút vị giác của người tiêu dùng hơn.
Nhìn từ thực tế này, có thể thấy nông sản, đặc biệt là trái cây là mặt hàng nhạy cảm vì tính chất mùa vụ, yêu cầu cao về bảo quản, còn thị trường thì luôn biến động. Khi biết cách biến tấu, chế biến sâu một cách đa dạng kết hợp với những thế mạnh của công nghệ số sẽ giúp nâng cao giá trị cũng như mở rộng đầu ra.
Tuy nhiên, nếu chỉ dập khuôn và dừng lại ở việc sấy, hay chế biến, sơ chế ở mức độ giản đơn thì khó tạo dấu ấn và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trước vô vàn sản phẩm cùng cùng loại trên thị trường. Trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngoài nâng cao về chất lượng còn rất quan tâm đến độ tươi mới, độc lạ về các loại mặt hàng.
Biến nông sản thành đặc sản
Bà Vũ Kim Hạnh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết đi đầu về việc nâng giá trị bằng sản phẩm độc lạ, đặc trưng từng vùng miền với giá trị kinh tế cao hiện nay là Nhật Bản như: Dưa gang Yubari, táo Fuji... Còn Thái Lan, chỉ với một quả sầu riêng nhưng họ có thể chế biến ra hàng trăm món, thậm chí có cả buffet sầu riêng. Trong khi Việt Nam mới đang tập trung vào bán sầu riêng dưới 3 loại: tươi, sấy, đông lạnh.
Bà Hạnh cũng cho rằng nông sản của thị trường trong nước có lợi thế về giống, giá thành tốt, đa dạng chủng loại nhưng nếu biết nắm bắt nhu cầu thị trường và đổi mới cách chế biến thì sẽ dễ hút khách hơn chỉ bán tươi hoặc cấp đông đơn thuần.
Chẳng hạn như các loại rau quả như dưa hấu, thanh long, khoai lang tưởng chừng như chỉ có thể ép, sấy, làm mứt… thì hiện đã có doanh nghiệp chế biến thành các loại bánh tráng, bún và tạo được bất ngờ đối với người tiêu dùng ở Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo các chuyên gia, xu hướng sử dụng đạm thực vật, sản phẩm tinh… đang được người tiêu dùng ở trong nước và đặc biệt là ngoài nước quan tâm. Chính vì vậy, người dân, HTX và cả doanh nghiệp có thể tận dụng nông sản, đặc sản địa phương để chế biến thành các sản phẩm có cấu trúc gần giống với sản phẩm đạm động vật như: nước mắm, mực khô làm từ quả điều, giấm từ mật dừa, nước mắm từ quả dứa…
Thông qua việc chế biến các sản phẩm có cấu trúc gần giống với sản phẩm đạm động vật, hay sản phẩm tinh có thể giúp tận dụng tối đa các phần của cây trồng, nông sản thay vì đổ bỏ như trước kia, từ đó giúp tiết kiệm và nâng cao thu nhập cho những đối tượng sản xuất trực tiếp. Trong khi đó, hầu hết các loại trái cây hiện nay khi ra quả đều trải qua công đoạn cắt tỉa, không giữ toàn bộ quả đậu trái để cây tập trung nuôi một số quả nhất định nhằm đạt kích cỡ tốt nhất.
Huyền Trang