Bà Lê Thị Hai, người dân ấp Cống Quẹo (xã Long Tân), chia sẻ những năm trước đây người dân Long Tân đi lại khá vất vả bởi nhiều tuyến đường lầy lội khi trời mưa, bụi bặm vào mùa khô. Còn hiện nay, nhiều tuyến đường liên ấp đã được nâng cấp, cứng hóa, xây dựng mới, người dân đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế gia đình thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Ổn định đầu ra cho hộ chăn nuôi
Đến xã Long Tân (huyện Dầu Tiếng) hiện nay sẽ dễ nhận thấy có nhiều đổi thay tích cực. Trên địa bàn xã, những con đường đất đỏ ngày nào giờ đây đã được láng nhựa. Nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng dọc hai bên đường. Đặc biệt, tại xã Long Tân đang hình thành một số khu, cụm công nghiệp... cho thấy bước phát triển mạnh mẽ của địa phương này.
HTX bò sữa Long Tân giúp ổn định đầu ra cho các hộ chăn nuôi (ảnh:TL) |
Đến nay, trên địa bàn xã có gần 130 trang trại trồng cao su tiểu điền (diện tích trên 2.500 ha), chăn nuôi gia súc, gia cầm... Xã có 1 trạm trung chuyển sữa bò tươi với công suất 10 tấn/ngày hoạt động hiệu quả.
Nhờ bảo đảm tốt quy trình sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đầu ra sản phẩm, giá cả ổn định, HTX bò sữa đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu.
HTX Long Tân được thành lập từ cách đây 7 năm gồm 16 hội viên với vốn điều lệ hơn 9,3 tỷ đồng. Đến nay, HTX có 50 hội viên và trên 500 con bò sữa. Nếu như trước đây từng hộ dân ký hợp đồng bán sữa cho các công ty thu mua và chế biến sữa trên địa bàn thì hiện nay, người đại diện của HTX đứng ra lo mọi vấn đề trong khuôn khổ hợp tác với các doanh nghiệp cũng như các khoản hỗ trợ cho xã viên.
Với mục đích tạo đầu ra ổn định cho hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, từ cách đây 5 năm hợp tác xã đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 1 trạm trung chuyển và ký kết với công ty Vinamilk, ký hợp đồng trực tiếp đến các hộ chăn nuôi bò sữa, với công suất thu mua 10 tấn/ngày.
Hiện nay các thành viên trong HTX đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ voi nuôi bò, đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh, nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho đàn bò sữa. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe vật nuôi cũng được HTX thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đàn bò được tiêm phòng định kỳ 2 đợt mỗi năm.
Nhiều cơ hội đột phá
HTX còn được Trạm Thú y huyện Dầu Tiếng hỗ trợ chi phí vắc xin phòng ngừa bệnh cho bò sữa. Nhờ có sự đầu tư đúng mức, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời việc phân loại sữa của các doanh nghiệp thu mua khá rõ ràng, cụ thể nên chất lượng sữa tươi bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
Ông Phạm Văn Khôi, một thành viên HTX, cho biết bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2006, đến nay đàn bò sữa của gia đình đã lên đến 30 con, thu nhập từ đàn bò sữa hơn 200 triệu đồng/năm.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của ông Khôi, khi nuôi bò sữa cần chọn con giống tốt và tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh cũng như thời gian cho ăn hàng ngày. Bò sữa sau khi nuôi 2 năm bắt đầu cho khai thác sữa. Trong thời gian thu hoạch sữa, phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bò.
Cùng với sự đóng góp của HTX, đến nay xã Long Tân đã đạt 18/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020.
Bộ mặt nông thôn ở xã Long Tân đang thay đổi tích cực (ảnh:TL) |
Ngoài sự phát triển ổn định của mô hình HTX, ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: Năm 2020, ưu tiên hàng đầu của địa phương là tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp, nhân dân đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Với những giải pháp đề ra sát với thực tế, phù hợp với chủ trương chung...Chắc chắn, địa phương sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đáng chú ý, dự án mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân (với 100,4 ha nằm trên địa bàn xã) đang được triển khai. Cùng với đó, UBND huyện đã chấp thuận mở Cụm công nghiệp Long Tân với diện tích 75 ha. Đây là cơ hội để lĩnh vực công nghiệp của xã Long Tân đột phá trong thời gian tới.
Thanh Loan