Quy định của EU về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (gọi tắt là EUDR) được ban hành tháng 6/2023 và bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2024 với cá nhấn, tổ chức và từ 30/6/2025 sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sẵn sàng thích ứng
Quy định này được đưa ra nhằm mục tiêu ngăn chặn việc nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm gây mất rừng và suy thoái rừng. EUDR tập trung vào các mặt hàng có tác động lớn đến nạn phá rừng, trong đó Việt Nam chịu ảnh hưởng đáng kể ở ba nhóm ngành chính là gỗ, cao su và cà phê, với kim ngạch xuất khẩu sang EU mỗi năm trên 2,5 tỷ USD.
Do đó, các đơn vị sản xuất sẽ phải gánh thêm chi phí để thực hiện các thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận EUDR. Đồng thời, nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác đã sẵn sàng tuân thủ EUDR.
Tương tự, quy định hữu cơ mới của châu Âu RE 848/2008 cũng đưa ra nhiều quy định mới nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn.
Nhiều HTX sẵn sàng thích ứng với những quy định xuất khẩu mới của thị trường EU. |
Ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận nông nghiệp tại Công ty TNHH Control Union Việt Nam, chia sẻ rằng theo các quy định mới, không chỉ các đơn vị sản xuất mà cả các đơn vị buôn bán, bao gồm môi giới hàng hóa, thương nhân, nhà xuất nhập khẩu, và thậm chí các đơn vị bán hàng online cũng phải có chứng nhận hữu cơ để thuận lợi trong việc buôn bán sản phẩm tại châu Âu.
Quy định này nhằm ngăn chặn gian lận thương mại và đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, tránh tình trạng nông sản bị mua lại, chế biến và bán ra mà không thể xác minh nguồn gốc.
Có thể thấy, các quy định mới như EUDR hay quy định sản xuất hữu cơ của châu Âu ngày càng trở nên nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, mục tiêu của những quy định này là hướng tới sản xuất bền vững hơn, điều này không chỉ mang lại lợi ích lâu dài cho môi trường mà còn cho chính người sản xuất.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng những quy định này sẽ giúp minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm. Các HTX và doanh nghiệp nếu ngay từ đầu xác định sản xuất kinh doanh nghiêm túc, hướng tới xuất khẩu, sẽ có nhiều lợi thế và cơ hội hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao (Sơn La), cho biết HTX của ông đã đạt được các chứng nhận cần thiết từ vùng trồng đến cơ sở chế biến. HTX cũng đã xác định rõ vùng trồng và đảm bảo rằng thời gian trồng không liên quan đến việc phá rừng.
Việc lưu trữ hồ sơ và thông tin sản xuất, cùng các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng theo pháp luật trong nước, được HTX Bích Thao thực hiện nghiêm túc. Quá trình cấp mã số vùng trồng, gắn liền với không gian và thời gian của từng cây trồng, giúp HTX tự tin thích ứng với cả quy định EUDR và các quy định hữu cơ mới của thị trường EU.
Thu hút hộ cá thể vào HTX
Một điểm rõ ràng là, với quy định EUDR, để có thể truy xuất nghiêm ngặt nguồn gốc hàng hóa được sản xuất trên đất rừng, người sản xuất phải tuân thủ quy trình có chứng nhận và tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa. Theo các chuyên gia, nông dân đơn lẻ chỉ có thể thuận lợi đáp ứng các yêu cầu khắt khe của EUDR và tuân thủ pháp luật quốc gia khi tham gia vào các HTX.
Ông Virginjius Sinkevicius, Ủy viên Liên minh Châu Âu về Môi trường, Biển và Thủy sản, cho biết, các hộ sản xuất nhỏ lẻ không phải chịu trách nhiệm pháp lý trực tiếp nếu không đưa sản phẩm vào thị trường Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, các đối tác kinh doanh với họ, như HTX và doanh nghiệp thu mua, chính là đối tượng phải chịu trách nhiệm nếu không đáp ứng được quy định của thị trường châu Âu.
Doanh nghiệp có thể yêu cầu nông dân cung cấp thông tin sản xuất, đặc biệt là thông tin về lô đất, để hoàn thành nghĩa vụ pháp lý. Tuy nhiên, làm việc với nông dân cũng gặp nhiều khó khăn như khó tìm diện tích sản xuất lớn, khó đồng bộ quy trình sản xuất, dẫn đến khó xác định tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm.
Giải pháp tối ưu để khắc phục vấn đề này là thu hút nông dân vào các HTX, giúp họ tham gia tích cực vào chuỗi giá trị hàng hóa. Điều này không chỉ đảm bảo công bằng về giá cả, mà còn mang lại lợi thế trong thu mua cho thành viên HTX so với những nông hộ không tham gia. Với tư cách pháp nhân, nội quy và quy định rõ ràng, HTX có thể phát triển chuỗi giá trị minh bạch và truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường mới và sản xuất bền vững hơn.
Khi các hộ cá thể tham gia vào HTX và chú trọng vào sản xuất bền vững, họ có thể tận dụng lợi ích từ việc nhận hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thông qua sự hợp tác và trao đổi thông tin với các đối tác kinh doanh.
Ông Virginius Sinkevicius cho biết, các hộ sản xuất nhỏ lẻ hoàn toàn có thể tham gia vào các sáng kiến quốc gia đang được triển khai và các hoạt động truy xuất nguồn gốc của HTX, chỉ cần họ cung cấp thông tin theo yêu cầu của Điều 9 trong Quy định EUDR.
Theo ông Lê Quý Hòa Bình, trước đây, theo quy định hữu cơ cũ của thị trường châu Âu, các nông hộ, nhóm hộ đơn lẻ vẫn có thể xuất khẩu nếu tuân thủ quy định. Tuy nhiên, với quy định mới, nông dân hoặc nhóm nông dân phải tham gia vào một tổ chức pháp nhân, như HTX, mới được chứng nhận hữu cơ. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ cá thể, trước đây sản xuất độc lập, cần gia nhập hoặc thành lập HTX mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ.
Vì vậy, việc khuyến khích nông dân tham gia vào HTX là cần thiết để họ có thể đạt được chứng nhận hữu cơ từ châu Âu và Mỹ.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 20.000 HTX nông nghiệp, nhưng chỉ thu hút được khoảng 31% trong tổng số 9,10 triệu hộ nông lâm thủy sản trên cả nước. Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết tại các nước châu Âu, 60-70% lượng nông sản được sản xuất thông qua HTX. Ở Việt Nam, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 15%, cho thấy sự thiếu liên kết và tổ chức trong sản xuất nông nghiệp.
Do đó, dù các quy định về quy trình sản xuất và xuất khẩu của các nước có thay đổi liên tục, nhưng đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của liên kết thông qua mô hình HTX. Việt Nam cần coi đây là nền tảng để phát triển liên kết sản xuất và thu hút nông dân tham gia HTX.
Huyền Trang