Theo thống kê của UBND tỉnh, 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.060,76 tỷ đồng, ước đạt 55% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.055,43 tỷ đồng, ước đạt 58,09%; hoạt động xuất khẩu ước đạt 577,91 triệu USD, ước đạt 80,71% kế hoạch năm. Ngoài ra, chỉ số tiểu thủ công nghiệp ước đạt 583,77 tỷ đồng, ước đạt 59,7%.
Có được kết quả này, ngoài sự đóng góp của 1.838 doanh nghiệp thì còn có có sự tham gia tích cực của 435 HTX, 695 tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là 7 tháng đầu năm 2024, các HTX đều cơ bản làm tốt việc gắn kết các thành viên trong HTX, kêu gọi thêm các thành viên mới gia nhập đảm bảo hoạt động sản xuất của các thành viên ổn định.
Các HTX, doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng mong muốn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ một cách thuận lợi hơn nữa. |
Một số HTX đã tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong trao đổi kinh nghiệm và hợp tác, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất...
Tuy nhiên, theo đại diện của các HTX, việc sản xuất của mô hình kinh tế tập thể vẫn còn khó khăn vì chưa thể có nguồn vốn lớn đầu tư công nghệ sản xuất, xử lý nước thải. HTX cũng gặp khó trong quá trình đánh giá tiêu chí để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Đặc biệt Cao Bằng là một địa phương giáp Trung Quốc nên xuất khẩu đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc nắm bắt các thủ tục xuất khẩu của HTX còn chưa thuận lợi, xúc tiến thương mại chưa được thực sự hiệu quả nên chưa tận dụng được lợi thế, thế mạnh của địa phương trong tiêu thụ, quảng bá nông sản, hàng hóa.
Phát triển dịch vụ trải nghiệm du lịch ở vùng trồng hạt dẻ đang được một số HTX ở Cao Bằng đầu tư. |
Bên cạnh đó, Cao Bằng là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông, lâm nghiệp nhưng chỉ có 172 HTX hoạt động trên lĩnh vực này. Đa phần các HTX nông nghiệp trước đó hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, kết hợp với nông nghiệp.
Cụ thể như HTX Thắng Lợi hoạt động hiệu quả trong ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất gạch không nung, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Hà Quảng.
Tuy nhiên, ở một số HTX trước đó hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, sau mở rộng sang nông nghiệp nhưng việc kết hợp này chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
Theo các HTX, để thúc đẩy các HTX phát triển theo chuỗi cũng như tăng cường liên kết với doanh nghiệp, tỉnh cần hỗ trợ HTX trong việc kết nối thương mại với Trung Quốc về xuất nhập khẩu; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Các HTX cũng mong được hỗ trợ công nghệ sản xuất, xử lý nước thải, tham gia các lớp đào tạo quản lý, lớp tập huấn về xuất nhập khẩu... để tăng cơ hội hợp tác.
Ngoài ra, các ngành chức năng cần khẩn trương tham mưu việc thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đảm bảo đúng các quy định hiện hành và phù hợp thực tế nhằm tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn.
Trên cơ sở những vấn đề được các đại biểu đưa ra, lãnh đạo Sở Công thương, các sở, ngành trực tiếp giải đáp, làm rõ những kiến nghị, vướng mắc của các HTX, doanh nghiệp
Giám đốc Sở Công thương Cao Bằng, bà Đồng Thị Kiều Oanh cho biết cần tiếp tục phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để doanh nghiệp, HTX tiếp cận thuận lợi.
Đối với mô hình kinh tế tập thể, cần nhanh chóng truyền thông, hướng dẫn HTX thực hiện theo Luật HTX năm 2023 để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Liên minh HTX tỉnh trong kết nối, hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng phát triển giữa các HTX… Đặc biệt là cần phát huy thế mạnh về du lịch để các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì du lịch đã và đang giúp Cao Bằng được mệnh danh là viên Ngọc xanh của vùng Đông Bắc.
HT