Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến cuối năm 2020, tỉnh Ninh Bình có gần 500 THT, 1 liên hiệp HTX và 422 HTX, thu hút gần 350 nghìn thành viên và 5.081 lao động thường xuyên. Thực hiện Luật HTX năm 2012, Ninh Bình có 100% số HTX trong diện tiến hành chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật mới.
Sau chuyển đổi, nhiều HTX hoạt động có chuyển biến rõ nét, hiệu quả nâng lên; khắc phục yếu kém trong tổ chức và hoạt động, khẳng định và nâng cao trách nhiệm, vai trò đối với thành viên.
Doanh thu năm 2020 của các HTX ước đạt hơn 5 tỷ 100 triệu đồng (tăng 1,24 lần so với đầu nhiệm kỳ); thu nhập bình quân ước đạt 263 triệu đồng (tăng 1,04 lần so với đầu nhiệm kỳ). Có 271 HTX hoạt động khá, giỏi, chiếm 65% (tăng 3% so với đầu nhiệm kỳ); có 126 HTX hoạt động trung bình, chiếm 30%; có 20 HTX hoạt động yếu kém, chiếm 5%.
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cùng chủ trì buổi làm việc. |
Về Liên hiệp HTX, doanh thu hàng năm đạt từ 4-6 tỷ đồng, thu nhập ước đạt 200 triệu đồng. Về tổ hợp tác, tổng doanh thu đạt 444,6 tỷ đồng; doanh thu bình quân đạt 950 triệu đồng/ tổ hợp tác (tăng 1,2 lần so với năm 2018); thu nhập bình quân ước đạt 68 triệu đồng (tăng 1,05 lần so với năm 2018).
Bà Tâm cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX trên địa bàn. Cụ thể, nhiều HTX năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp, quản trị hạn chế. Khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn mức độ, việc thực hiện một số quy định theo Luật chưa đảm bảo (đăng ký thuế).
Ông Trần Văn Bách, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình nhận xét một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô còn nhỏ (thôn, liên thôn), diện tích canh tác ít do quá trình đô thị hóa nên hoạt động cầm chừng. Các HTX phi nông nghiệp năng lực tài chính còn hạn chế, nên khả năng phát triển chậm, chưa thích ứng kịp trong nền kinh tế thị trường, chưa thể hiện rõ vai trò hỗ trợ thành viên. Phần lớn các tổ hợp tác tổ chức chưa chặt chẽ, hoạt động còn thiếu ổn định nên việc theo dõi, đánh giá hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ông Ngô Minh Kim, Phó giám đốc Sở Công thương Ninh Bình cho rằng, các HTX đã dần được tiếp cận với mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, song vướng mắc nhất trong công đoạn chế biến (do thiếu máy móc, thiết bị, điều kiện cơ sở hạ tầng), khó khăn trong thủ tục cấp chứng nhận các tiêu chí chất lượng sản phẩm/dịch vụ; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của các đại biểu, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, tầm quan trọng của KTTT, HTX còn hạn chế; nguồn lực hỗ trợ còn nhiều khó khăn, việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách còn chậm.
Các HTX vẫn còn trông chờ ỉ lại, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX hạn chế, hầu như chưa được đổi mới, tuổi cao, chưa theo kịp và thích nghi với cơ chế thị trường, một số chưa thật sự gắn bó với HTX.
Việc cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX còn chậm, tạo điều kiện đất đai, nhà xưởng cho các HTX rất khó khăn. Hầu hết các HTX đều thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, các HTX không tiếp cận được các vốn vay ưu đãi của Nhà nước vì không có tài sản đảm bảo để thế chấp, hoặc vướng các thủ tục,…
![]() |
Đại diện UBND tỉnh, các sở, ngành và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình có buổi làm việc với Liên minh HTX Việt Nam. |
“Chúng tôi đề nghị Liên minh HTX Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh bổ sung hoàn thiện cơ chế để nâng cao hiệu quả phát triển của kinh tế tập thể. Hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để xây dựng các mô hình HTX hoạt động chuỗi hiệu quả; chính sách thu hút lao động trẻ có trình độ về các HTX làm việc. Hỗ trợ tháo gỡ về vốn vay ưu đãi cho các HTX, nâng mức tăng trưởng dư nợ của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để có nguồn vốn cho vay”, ông Trần Văn Bách kiến nghị.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao các chủ trương, chính sách của tỉnh Ninh Bình, nhất là Ban chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, HTX trong việc hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cũng năng động, tích cực và có nhiều sáng kiến trong việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, qua đó giúp cho các HTX phát triển nhanh chóng và hiệu quả… đồng thời chia sẻ những khó khăn mà các HTX trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.
Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ có những định hướng phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử để hỗ trợ cho các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng, các HTX trong cả nước nói chung tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; cung ứng vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Ninh Bình có thêm nguồn vốn để cho các HTX vay ưu đãi; mở chương trình xúc tiến thương mại trong toàn quốc để Ninh Bình và cả nước đưa vào các chuỗi siêu thị.
Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thẳng thắn nhìn nhận KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Các HTX còn nhỏ lẻ, manh mún, hoạt động kém hiệu quả.
Quan điểm của tỉnh sẽ bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tuy nhiên cũng phải xác định rõ nhà nước không đi làm thuê, làm hộ. Do vậy phải quyết tâm xóa bỏ các HTX hoạt động không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các HTX hoạt động hiệu quả, có chất lượng.
“UBND tỉnh đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nhằm củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, xây dựng các mô hình KTTT hiệu quả; hỗ trợ nâng cao năng lực, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ quay vòng phát triển HTX và tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; giải quyết khó khăn về đất, hỗ trợ kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm và các trang thiết bị, máy móc; thực hiện chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…”, ông Tùng nói.
Phạm Duy