Vụ lúa Đông Xuân năm nay toàn tỉnh Thanh Hóa gieo cấy được 160 nghìn ha, năng suất dự kiến đạt 64 tạ/ha. Trong đó một số huyện đạt năng suất cao như Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Yên Định, Đông Sơn.. Vui mừng hơn nữa là giá lúa vụ này cũng cao hơn vụ trước từ 600 đến 700 đồng/kg.
Năng suất tăng từ mô hình liên kết
Trên cánh đồng 179 ha của của HTX dịch vụ nông nghiệp Định Hòa, huyện Yên Định, tin vui trước mùa vụ bội thu lan rộng trong niềm phấn khởi của các thành viên. Năm nay HTX gieo cấy giống lúa HDT10 cho năng suất cao và ổn định hơn giống lúa đối chứng tại địa phương.
Ông Lê Văn Hoa, Giám đốc HTX cho biết, kết quả gieo cấy giống lúa HDT10 cho thấy đây là giống lúa thuận, rất dễ thâm canh, lúa trổ thoát cổ bông tốt, giống HDT10 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn các giống lúa khác trung bình từ 4 đến 5 ngày đạt năng suất 78,7 tạ/ha. Hiện HTX cùng các thành viên đã thu hoạch gần xong vụ lúa Đông Xuân và thu hoạch tới đâu, công ty tới thu mua, cân lúa giống tươi tại ruộng.
Bà con nông dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa cơ bản đã gặt xong vụ lúa Xuân 2020 (Ảnh: TL) |
Ngoài huyện Yên Định, khảo sát tại các huyện Nông Cống, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa có thể thấy tâm trạng phấn khởi của bà con nông dân.
Lúa chiêm Xuân 2020, diện tích liên kết với doanh nghiệp và diện tích lúa chất lượng cao có xu hướng tăng lên. Vì vậy, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích được kỳ vọng sẽ cao hơn năm trước.
Tại huyện Hoằng Hóa, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Minh là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nhất là cung ứng kịp thời các dịch vụ về giống và chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật… Để chuẩn bị cho vụ chiêm Xuân, HTX đã phối hợp với Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình Seed) đưa vào gieo trồng giống lúa TBR 225. Đồng thời, tăng cường áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, áp dụng 100% diện tích mạ được che phủ nilon, cày ải giải phóng đất để tăng độ phì nhiêu. Với diện tích 52 ha trồng lúa, vụ chiêm Xuân này HTX DVNN Hoằng Minh cho thu hoạch năng suất đạt khoảng 70 tạ/ha, lúa thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm.
Nhận xét về giống lúa mới đưa vào gieo trồng, ông Vũ Duy Thành, Giám đốc HTX DVNN Hoằng Minh cho biết, giống lúa mới này giá tiền thấp hơn, phù hợp với túi tiền của bà con, năng suất thì tương đương với giống lúa lai, công ty cam kết thu mua với giá cao hơn 1,3 lần giá lúa thương phẩm tại địa phương, chất lượng đảm bảo ngon cơm. Sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn thì ưu thế là tạo điều kiện cho người nông dân cùng cấy, cùng chăm bón, cùng thu hoạch, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, giảm bớt sức lao động, giảm chi phí đầu vào và khi thu hoạch mang lại hiệu quả cao.
Còn tại xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, HTX DVNN Đông Ninh cũng đã phối hợp với Công ty CP giống cây trồng Thanh Hóa xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với tiêu thụ nông sản trên diện tích hơn 30 ha, được các hộ thành viên HTX tập trung áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, và chỉ gieo cấy bằng một loại giống Lam Sơn 8 thông qua HTX DVNN Đông Ninh, công ty thực hiện cung ứng giống, chuyển giao quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Nông dân, doanh nghiệp, HTX cùng hưởng lợi
Ông Nguyễn Điếm - Giám đốc HTX DVNN Đông Ninh chia sẻ: “Sản xuất theo chuỗi giá trị này rất có hiệu quả, HTX được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Các công ty liên kết thì uy tín, đầu tư cho bà con một cách căn cơ, khoa học. Nhờ vậy nông dân yên tâm sản xuất khi tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị này”.
Điểm khác biệt nhất giữa vụ mùa chiêm Xuân 2020 so với các năm trước đây là nông dân đã mạnh dạn “bắt tay” liên kết với doanh nghiệp thử nghiệm các loại giống lúa mới và quy trình sản xuất mới. Thông qua doanh nghiệp, nông dân, HTX cùng ký kết quy trình sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch. Đến mùa thu hoạch, công ty cam kết thu mua sản phẩm ngay tại ruộng.
Thực hiện mô hình liên kết này, nông dân, HTX được hưởng lợi và doanh nghiệp có điều kiện để phát triển, tạo ra lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây chính là cơ sở để nâng cao chất lượng hàng nông sản và tránh rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Xứ Thanh được mùa nhờ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản (Ảnh: TL) |
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, dù diện tích liên kết lúa với doanh nghiệp, HTX chưa nhiều, nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả rõ nét. Thông qua các mối liên kết, nông dân sẽ được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây sẽ là hướng đi của nông nghiệp Thanh Hóa trong tương lai. Bên cạnh đó việc nông dân có ý thức chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất, cùng với việc giá lúa đang ở mức cao nên hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên.
Các mô hình liên kết sản xuất đã tạo ra bước chuyển biến tích cực, giúp người nông dân yên tâm đầu tư chăm sóc cây trồng, cho ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Đây là cơ sở để xứ Thanh tiếp tục liên kết cùng doanh nghiệp, HTX mở rộng diện tích tại những vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Thắng lợi của vụ lúa Xuân năm nay còn có ý nghĩa lớn hơn trong việc góp phần ổn định xã hội. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, các công ty, nhà máy trên địa bàn đều cắt giảm lao động. Tuy nhiên, trong vụ lúa này, công nhân dù phải về quê nhưng vẫn có việc làm nông nghiệp, giúp họ cũng như gia đình yên tâm hơn trong cuộc sống.
Có thể thấy, nông nghiệp lại một lần nữa góp phần ổn định xã hội trong tình hình suy giảm kinh tế một trong những nguyên nhân để đạt được thành quả này là do trên 75% diện tích lúa của Thanh Hóa được cấy đúng thời vụ, đưa giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy, đảm bảo chất lượng, tăng năng suất.Trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, thì vụ lúa Xuân 2020 được mùa có tác động rất tích cực, bản đảm an ninh trật tự, ổn định tư tưởng người dân trong tỉnh. Những người từ các lĩnh vực ngành nghề khác nhau khi thất nghiệp về địa phương không có việc làm thì đã có lương thực nông nghiệp hậu phương đảm bảo.
Minh Thành