Bão YAGI đổ bộ vào Hải Phòng đã khiến hầu hết các doanh nghiệp hạ tầng đều chịu thiệt hại do bão, nhiều cây xanh bị gãy đổ, hệ thống hạ tầng, viễn thông bị ảnh hưởng. Theo thống kê từ Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng: Có khoảng 250 doanh nghiệp trên tổng số 589 doanh nghiệp (chiếm khoảng hơn 40%) trong khu công nghiệp bị thiệt hại sau bão với tổng số tiền dự tính khoảng gần 1.600 tỷ đồng.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả sau bão do thời tiết, nguyên vật liệu, nhân công … nhưng các doanh nghiệp đã khẩn trương khắc phục và ổn định sản xuất trở lại, quyết tâm không làm đứt chuỗi cung ứng.
Sau bão 1 ngày, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống các KCN để thăm hỏi động viên, nắm bắt tình hình, trao tặng kinh phí hỗ trợ những doanh nghiệp thiệt hại nặng sau bão.
Nhiều nhà xưởng của các doanh nghiệp đã bị bão thổi tốc mái. |
Đặc biệt đơn vị đã tổ chức Hội nghị lắng nghe và trao đổi các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3, những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, nhanh chóng khôi phục sản xuất như: Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện kịp thời việc sửa chữa nguyên trạng các công trình bị ảnh hưởng do bão số 3; đảm bảo ổn định sản xuất.
Giãn, hoãn tiến độ đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đang triển khai. Đối với các đoàn có trong Kế hoạch nhưng chưa triển khai thì điều chỉnh thời gian sang đầu năm 2025. Hiện nay, Ban Quản lý đã cho tạm dừng các cuộc kiểm tra giám sát đầu tư định kỳ hàng Quý, kiểm tra về quy hoạch và xây dựng theo chức năng của Ban. Đồng thời, đề nghị các Công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão.
Trên cơ sở đề nghị của Ban Quản lý, một số Công ty kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp kịp thời có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN do doanh nghiệp quản lý bị thiệt hại sau bão, như: Tập đoàn Sao Đỏ - Nam Đình Vũ (khu 1) đã kiểm tra, sửa chữa để việc cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải và hệ thống giao thông nội bộ đảm bảo không ngưng trệ sản xuất; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ 8,2 tỷ đồng đến 38 Doanh nghiệp. Hiện nay, Tập đoàn Sao Đỏ đang tiếp tục rà soát và lên kế hoạch hỗ trợ lần 2 đến các Doanh nghiệp; Miễn phí quản lý hạ tầng, miễn tiền nước và xử lý nước thải đến các khách hàng thuê nhà xưởng. Hay như Công ty CP đầu tư Bất động sản Minh Phương MP Đình Vũ Hỗ trợ các doanh nghiệp thứ cấp được chậm thanh toán các loại phí của KCN…
Ban Quản lý đã cung cấp các thông tin, phối hợp cùng Cục Hải Quan thành phố Hải Phòng tạo điều kiện và rút ngắn thời gian thông quan, nhập khẩu các vật tư, vật liệu, thiết bị máy móc để cung cấp cho các doanh nghiệp kịp thời sửa chữa các hạng mục công trình bị ảnh hưởng sau bão.
Ngay sau bão 1 ngày, các doanh nghiệp tập trung hàng trăm công nhân để khắc phục hậu quả sau bão. |
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đẩy mạnh rà soát, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng từ các Trường Đại học, Cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn thành phố để kịp thời đáp ứng các Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gấp; kết nối giữa các doanh nghiệp đang có nhu cầu về lao động thời vụ và các doanh nghiệp đang phải dừng sản xuất thỏa thuận, ký kết tạm thời chuyển nhượng người lao động để giảm bớt chi phí chi trả lương cho người lao động, đảm bảo duy trì, ổn định lực lượng lao động.
Chăm lo, hỗ trợ người lao động hoặc thân nhân người lao động bị thiệt mạng, bị thương phải nằm viện điều trị, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị hư hỏng, thiệt hại về nhà ở, hỗ trợ trẻ em mồ côi là con em người lao động ảnh hưởng do cơn bão số 3. Khuyến khích các Doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người lao động có gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 được nghỉ làm để khắc phục hậu quả, đảm bảo 100% lương cơ bản cho người lao động trong những ngày ngừng việc để khắc phục hậu quả sau bão và trợ cấp người lao động bằng các quỹ phúc lợi xã hội tự có của Doanh nghiệp,
Sau bão số 3, việc rà soát, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai là nhiệm vụ cấp bách đối với các KCN, KKT tại thành phố Hải Phòng. Để chủ động hơn trong việc ứng phó với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong tương lai, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống thiên tai.Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Nâng cấp cơ sở hạ tầng KCN, đặc biệt là hệ thống thoát nước – ông Lê Trung Kiên- Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nhấn mạnh.
Thanh Vân