Chất lượng nguồn nhân lực luôn là một trong những khó khăn nổi cộm của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Để tháo gỡ khó khăn này, năm 2018, UBND tỉnh đã hỗ trợ 10 HTX thực hiện thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020.
Theo quyết định, các HTX nông nghiệp được quyền tự chủ và tự quyết trong tuyển dụng, bố trí cán bộ. Đối với trí thức trẻ thực hiện thí điểm phải có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực hoạt động của các HTX, làm việc trong thời gian 36 tháng với mức hỗ trợ cho 1 HTX bằng mức lương tối thiểu vùng nhân với số tháng được hỗ trợ.
Yếu tố quyết định
Ông Vy Kim Truyền - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua báo cáo của các HTX, các trí thức trẻ về làm việc đều phát huy được năng lực, qua đó giúp các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học vào sản xuất, kế toán… Nổi bật như kỹ sư trồng trọt làm việc tại HTX nông sản sạch Tràng Định và HTX Dịch vụ nông nghiệp Trấn Ninh; kế toán tại HTX Phương Đông, huyện Văn Quan…
Hay như trường hợp của chị Lương Thúy Hoàn, sau khi tốt nghiệp đại học được hỗ trợ đưa về làm kế toán tại HTX Thuỷ sản Lê Hồng Phong từ năm 2018 đến nay. Với kiến thức học ở trường kết hợp với thực tế hoạt động của HTX, chị Hoàn đã trở thành một trong những cán bộ trẻ góp phần vào những thành công của HTX.
![]() |
Nguồn nhân lực có trình độ luôn là khó khăn nổi cộm của các HTX nông nghiệp tại Lạng Sơn. |
"Khi được về làm việc tại HTX, tôi luôn nỗ lực học hỏi, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động cho HTX. Qua đó không chỉ làm tốt nhiệm vụ kế toán mà còn hỗ trợ HTX thêm những nội dung khác, như: tham gia góp ý xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại…", chị Hoàn chia sẻ.
Ghi nhận những chuyển biến tích cực của HTX sau khi được hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc, ông Dương Hữu Chức - Giám đốc HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong cho biết, nếu như năm 2017, doanh thu của HTX đạt 1,4 tỷ đồng, thì đến năm 2019 đã tăng lên 1,8 tỷ đồng và dự kiến năm 2020 tăng thêm do HTX mở rộng quy mô hoạt động. Thu nhập bình quân người lao động tăng từ 5,3 triệu đồng/người/tháng năm 2017 lên 6 triệu đồng/người/tháng năm 2020.
Thực tế, các tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là HTX nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần đẩy mạnh phát triển - kinh tế xã hội ở địa phương. Các HTX nông nghiệp vừa là tiêu chí cần đạt được, vừa là điều kiện phát huy nội lực hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng NTM.
Để HTX phát triển đúng hướng, cần có bước đi phù hợp, trong đó nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu để các mô hình HTX thay đổi về chất một cách bền vững.
Hỗ trợ lâu dài
Ý thức được tầm quan trọng của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp trong mục tiêu phát triển chung của tỉnh, tại Điều 11, Nghị quyết số 08/2019 của HĐND tỉnh Lạng Sơn ban hành ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025 tiếp tục có quy định về việc mỗi HTX được hỗ trợ thuê 1 lao động là trí thức trẻ về làm việc.
Sau khi nghị quyết được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành liên quan đã tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, các huyện, thành phố đã và đang triển khai đến các xã.
![]() |
HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chặng đường xây dựng NTM. |
Từ những kết quả đã đạt được của mô hình thí điểm giai đoạn 2018-2020, có thể khẳng định việc đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX là nguồn cảm hứng, làn gió mới cho khu vực KTHT, HTX trẻ hoá về độ tuổi cán bộ quản lý và tư duy sản xuất để thích ứng với xu thế thị trường, thực hiện có hiệu quả hơn Luật HTX 2012, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng NTM.
Bà Lý Bích Linh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao và Phát triển Lạng Sơn cho biết, HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nên rất cần kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn để giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, chính sách hỗ trợ về nguồn nhân lực nói trên được xem là "chiếc phao cứu sinh" cho con thuyền năng lực cán bộ tại HTX.
Trên thực tế, không chỉ riêng HTX Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển Lạng Sơn mà rất nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh có nhu cầu được hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc. Hiện nay, nhiều HTX nông nghiệp đang tìm hiểu nội dung Nghị quyết 08, đối với các HTX đủ điều kiện đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ gửi cơ quan chuyên môn thẩm định.
Tuy nhiên, để tìm, giữ được trí thức trẻ phù hợp, làm việc lâu dài, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì các HTX cũng cần quan tâm tạo điều kiện để tăng thêm thu nhập, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để những trí thức này phát huy năng lực, sở trường, qua đó giúp HTX nâng cao chất lượng hoạt động.
Minh Khuê