Tại Bắc Giang, việc xây dựng trang fanpage Trung tâm Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang để đưa thông tin sản phẩm, hoạt động của HTX theo kế hoạch từng tuần, từng tháng kết hợp với việc tuyên truyền quảng bá nông sản của HTX trên các kênh thông tin của tỉnh, đưa nông sản lên các sàn địa phương bằng hình ảnh và video có cả tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật… được coi là những cách làm hiệu quả giúp nhiều nông đặc sản của tỉnh có đầu ra hiệu quả.
Hạn chế ngoại thương
Hiện, mỳ Chũ, vải, gà đồi... của Bắc Giang đều được gắn mã QR, số hóa nhằm phục vụ quảng bá, xúc tiến thương mại thuận lợi không chỉ trong nước mà xuất khẩu ra nhiều thị trường khác như Nhật Bản, EU, Úc, Mỹ bằng kênh chính thống.
Có thể thấy, cách làm của Bắc Giang trong xúc tiến thương mại đã và đang mang lại hiệu quả cho ngành nông nghiệp cũng như giúp nông dân, HTX vơi bớt nỗi lo khi mùa thu hoạch đến.
Để có được hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, bài bản, chắc chắn sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quản quản lý có vai trò quan trọng. Bởi theo ông Đặng Văn Hóa, Giám đốc HTX Chanh Nam Đàn (Nghệ An), HTX chủ yếu là những cơ sở sản xuất nhỏ, không thể hoặc rất ít HTX có thể tự kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu nông sản thuận lợi sang các thị trường quốc tế theo hình thức chính ngạch thông qua các hợp đồng mua bán.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), HTX cũng giống như một số doanh nghiệp nhỏ, vẫn có trình độ ngoại thương bị hạn chế. Trong khi để bán được hàng, tìm được khách hàng đòi hỏi HTX cũng phải có nguồn kinh phí cụ thể dành cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Vải Thanh Hà có đầu ra thuận lợi ở trong và ngoài nước nhờ khâu xúc tiến thương mại được quan tâm. |
Do vẫn còn những hạn chế nên các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại vẫn chưa thực sự rộng và sâu mà chủ yếu tập trung vào xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, hoạt động du lịch nông thôn tập trung ở một số vùng miền. Việc xúc tiến thương mại ở nước ngoài vẫn rất khiêm tốn.
“Rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, nhất là đối với các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài thường có kinh phí không nhỏ”, ông Đặng Văn Hóa chia sẻ.
Việc thiếu kỹ năng, kinh phí xúc tiến thương mại kết hợp với sự chưa quan tâm của ngành quản lý tại một số địa phương được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu thực hiện qua thương lái.
Thống kê của ngành nông nghiệp, ngay vùng trồng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, do khâu xúc tiến thương mại chưa hiệu quả nên chỉ có khoảng 12% sản lượng lúa gạo toàn vùng được bán cho doanh nghiệp, 50% sản lượng lúa được bán cho thương lái và còn lại được bán cho HTX.
Trong khi theo định hướng phát triển chuỗi giá trị, việc nông dân bán nông sản cho HTX và doanh nghiệp được coi là hướng đi bền vững, thúc đẩy chế biến và xuất khẩu chính ngạch, từ đó nâng được giá trị và nguồn thu cho người nông dân.
Liên kết 3 bên
Ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết giai đoạn từ năm 2013-2021 có gần 2.617 HTX nông nghiệp được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Còn từ 2021-2023, tổng số HTX được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường là 1.236 HTX.
Tuy nhiên, việc triển khai chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đến các HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Cụ thể là kinh phí còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số kinh phí từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (khoảng 2%), nhiều nội dung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường chưa được HTX tiếp cận như tuyên truyền xuất khẩu, phát triển sản phẩm, thâm nhập thị trường, thông tin thị trường và kết nối cung cầu… Trong khi, cơ hội cho nông sản xuất khẩu hiện nay rất lớn bởi Việt nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với hơn 60 thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải tập trung chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để tránh những rủi ro. Nhằm thực hiện điều này, chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế khi không chỉ giới hạn các HTX sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc có dự án cụ thể có cơ hội tham gia các cuộc xúc tiến thương mại mà mở rộng cho toàn bộ các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác.
Ông Vũ Bá Phú cho rằng việc mở rộng để tất cả các HTX có thể tham gia các cuộc xúc tiến thương mại là điều cần thiết nhằm thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại theo chuỗi, từ phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản đến phát triển thị trường.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, việc tận dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại được cho là phù hợp với xu thế và giúp HTX tiết kiệm chi phí.
Phía các HTX nên đầu tư thêm vào việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm từ nông sản. Cùng với đó, chú trọng khâu thiết kế bao bì, đóng gói phù hợp với xu hướng, đối tượng khách hàng, từng kênh phân phối nhằm thu hút các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng trực tiếp. Đặc biệt, doanh nghiệp, HTX cần xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm và thương hiệu bài bản mang tính lâu dài.
Nhưng có một điều hiện nay theo ông Vũ Bá Phú đó là các HTX, Liên hiệp HTX phần lớn chỉ được thụ hưởng chính sách xúc tiến thương mại chủ yếu thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Còn lại rất nhiều địa phương vẫn chưa bố trí ngân sách, có kế hoạch rõ ràng trong xúc tiến thương mại nên chính các HTX không biết bám vào đâu để quảng bá nông sản.
Do đó, chỉ khi cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cùng xây dựng kế hoạch tổng thể và triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thì HTX, nông dân mới xây dựng câu chuyện gắn với nông sản, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài nước một cách bài bản.
Như tại Hải Dương, mùa vải năm nay huyện Thanh Hà đã có những lô vải mà doanh nghiệp liên kết với HTX xuất đi châu Âu bằng đường hàng không. Ngoài ra, vải Thanh Hà còn được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Đông và tiêu thụ trong nước với đa dạng các kênh từ chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, hội chợ....
Để có được điều này, HTX-doanh nghiệp-chính quyền địa phương đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn không chỉ trong sản xuất mà còn xúc tiến thương mại đa hình thức như tham gia trực tiếp tại các hội chợ, điểm bán hàng; xúc tiến thương mại trực tuyến qua các điểm cầu trong và ngoài nước để vải thiều Thanh Hà được người dân nhiều quốc gia biết đến, tạo điều kiện để xuất khẩu thuận lợi.
Ngoài ra, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết việc huyện liên kết với các doanh nghiệp, bộ ngành, HTX tổ chức các đoàn khách đến tham quan vườn vải cũng góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu vải thiều. Đó là lý do mà vải thiều không phải chịu cảnh chín đỏ rực tại các chợ đầu mối và người nông dân, HTX đem vải xếp hàng dài chờ được thương lái chọn mua.
Huyền Trang