Bà Nguyễn Thị Diễm, người sáng lập Tomato Food - Cửa hàng thực phẩm chất lượng cao Tomato Food cho biết hiện đơn vị này có liên kết, ký hợp đồng 8 nhà cung cấp, trong đó có cả những HTX nhưng vẫn thiếu nông sản bán hàng ngày.
Không phải muốn là làm được ngay
Lý do là vì mỗi farm, mỗi HTX chỉ chuyên một loại nông sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương. Ngoài ra còn có nguyên nhân do các HTX, chủ farm không hoặc chưa thực hiện khâu truyền thông hoặc tìm cách gắn kết với các nhà phân phối. Điều này khiến những nhà phân phối như Tomato Food đang gặp khó khăn trong mở rộng nhà cung cấp, cụ thể là những đơn vị sản xuất hữu cơ để phục vụ thị trường.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trác Văn (Hà Nam) cho biết do phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt nên sản lượng nông sản hữu cơ của HTX không nhiều, hay bị ngắt quãng theo mùa vụ. Dù biết nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối muốn liên kết với các vùng trồng để tăng lượng tiêu thụ nhưng HTX cũng khó có thể đáp ứng vì làm nông nghiệp hữu cơ không phải mong muốn sản lượng tăng là có thể được ngay.
Doanh nghiệp giữ lời hứa với người dân, HTX sẽ tạo ra những vùng nguyên liệu lớn bảo đảm chất lượng. |
Còn trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Võ Văn Biển, Giám đốc Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim (Hà Tĩnh), cũng cho rằng dù đã xác định phát triển rừng theo quy trình FSC nhưng trong quá trình thực hiện, thành viên HTX vẫn có thể gặp nhiều rủi ro như cháy rừng, bão lũ, sâu bệnh, băng giá… Điều này khiến cho việc đảm bảo sản lượng, xa hơn là đảm bảo lượng tín chỉ carbon đã đặt ra như trước khi bắt tay vào làm và ký kết khó hơn.
Trước sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon, Th.s Nguyễn Văn Cường, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, cho biết muốn đạt chứng nhận tín chỉ carbon, HTX phải đăng ký dự án, đi liền với đó sự chuẩn bị về chi phí không hề nhỏ để thuê đơn vị tư vấn, thẩm định mới có thể đạt chứng nhận tín chỉ carbon.
“Khâu tư vấn đối với chứng nhận quốc tế có chi phí vài chục nghìn USD. Không phải HTX cứ thẩm định là có thể đạt mà phải thực hiện nhiều lần khiến chi phí càng càng hơn”, Th.s Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Có thể thấy, việc tham gia các dự án, các quy trình sản xuất bền vững, tuần hoàn, giảm phát thải… đối với các HTX là không hề dễ dàng bởi cơ hội từ những quy trình sản xuất này dù lớn nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức.
“Trong quá trình gắn bó với các HTX tôi thấy, người sản xuất hữu cơ, làm nông nghiệp bền vững gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, khí hậu, đất đai, đầu ra nên để mở rộng được vùng trồng, nâng cao được sản lượng cũng là cả một vấn đề”, bà Nguyễn Thị Diễm cho biết.
Mối liên kết từ hai phía
Có thể thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đang bắt nhịp với sản xuất xanh, tuần hoàn, chú trọng nhiều hơn đến sản xuất theo quy trình để giảm biến đổi khí hậu, tăng tính cạnh tranh cho nông sản.
Ngay như muốn xuất khẩu được lô xoài tượng da xanh đầu tiên sang Mỹ vào sáng ngày 18/6, HTX nông nghiệp Lộc Hưng (Cần Thơ ) đã phải đáp ứng và tuân thủ các kỹ thuật, quy định của nước nhập khẩu đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xuất khẩu để hoàn thiện thủ tục. Điều này không chỉ giúp phát triển chuỗi giá trị ngành xoài mà còn giúp HTX giải quyết bài toán đầu ra, giảm giá vào mùa thu hoạch.
Nhưng nhìn từ thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển nông nghiệp xanh, bền vững có một vấn đề ở đây đó chính là mối liên kết giữa HTX, nhà vườn và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cơ quan quản lý vẫn còn lỏng lẻo nên các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bà Nguyễn Thị Hải Xuân, Chuyên gia đánh giá đồng thời là Trưởng Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia, cho biết không chỉ các nhà phân phối mà ngay cả những đơn vị chứng nhận cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn vị thực sự làm nông nghiệp hữu cơ, tham gia các dự án sản xuất theo quy trình cụ thể… Mặc dù đơn vị này đã thực hiện đăng tin, liên hệ các cơ quan địa phương, trung ương nhưng vẫn rất khó khăn.
Chính vì vậy, theo bà Xuân, nếu HTX có nhu cầu, muốn nhận được hỗ trợ nhằm phần nào giải quyết khó khăn thì cần chủ động liên kết với cơ quan quản lý, ngành nông nghiệp địa phương để từ đó có thể liên kết với doanh nghiệp, ngành hữu quan ở cấp cao hơn
Bên cạnh đó sản xuất hữu cơ đòi hỏi các quy định rất cao và chặt chẽ. Như trong quy định về vùng trồng phải tránh nguồn ô nhiễm, nếu vùng trồng có mối nguy hại phải khắc phục được. Các yêu cầu về vật tư đầu vào cũng rất nghiêm ngặt. Do đó, HTX phải xem có đáp ứng được các yêu cầu đó không.
Ngoài ra, HTX cũng phải chuẩn bị nguồn lực, cụ thể là nhân lực, vật lực… vì làm hữu cơ, sản xuất nông nghiệp bền vững là làm lâu dài, làm liên tục trong nhiều năm chứ không phải làm một hai năm.
Nếu HTX xét tất cả các yếu tố trên có đủ khả năng làm được thì tiếp theo nên tìm các tổ chức chứng nhận, các ngành hữu quan để có thể tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp các giai đoạn sau của HTX được thuận lợi.
Bên cạnh đó, đạt chứng nhận đã khó, duy trì quy trình sản xuất bền vững còn khó hơn. Do đó, muốn duy trì được quy trình, khâu tuyên truyền, thương mại cũng có vai trò quan trọng không kém để HTX nâng cao khả năng thích ứng, mở rộng đầu ra, tăng khả năng liên kết với doanh nghiệp. yếu tố kết nối thương mại giúp nông sản sau khi được chứng nhận có giá trị và có được niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Thân Dy Ngữ, Giám đốc công ty TNHH Hiệp Thành, cho biết thực chất để tạo ra được những mối liên kết, những chuỗi giá trị bền vững, rất cần sự chủ động từ phía doanh nghiệp. Bởi khó nhất trong sản xuất bền vững là phải làm việc với nông hộ nhỏ. Nhưng các doanh nghiệp cần hiểu rằng, bản chất của người dân, thành viên HTX ở các vùng quê, vùng miền núi là họ rất yêu thiên nhiên, yêu môi trường sinh thái, mong muốn gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn. Chính vì vậy, trong quá trình làm việc, miễn là doanh nghiệp đã hứa, đã xác định hỗ trợ HTX thì phải chính xác, kiên trì thì mới giữ được người dân, mới phát triển được vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Huyền Trang