Theo ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Yên (Điện Biên), vị trí của hệ thống Liên minh HTX chưa được thể hiện một cách rõ ràng trong cả nền kinh tế và các tổ chức xã hội, mặc dù thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), HTX đóng góp vai trò quan trong trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Do vậy, cần đề xuất với Đảng, Nhà nước để nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống Liên minh. Cần thành lập được ban hỗ trợ cho HTX và thông qua các mô hình hoạt động thực chất, hiệu quả chứ không phải giảng bài hay là lý thuyết suông.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho khu vực kinh tế HTX chưa phát triển như mong đợi là nhiều HTX vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống, hạn chế về khoa học công nghệ, thiếu kiến thức về thị trường, chưa áp dụng một cách tích cực, triệt để từ lợi thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.
Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại, các HTX cần tích hợp công nghệ giữa các khâu, các công đoạn sản xuất, kinh doanh bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, các trang web, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
“Muốn làm được điều này, các HTX từ sản xuất đến thương mại cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa. Hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ, truy xuất rõ ràng, nhất là các khâu mua bán. Do đó, các chính sách hỗ trợ cho các HTX cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và phải lựa chọn được những HTX thực sự mạnh về khoa học kỹ thuật, có nhân lực tốt để triển khai thực hiện”, ông Oanh phân tích.
Để nâng tầm cho các HTX, đưa các HTX ngày càng hoạt động hiệu quả, theo ông Phan Huy Sự, Giám đốc HTX Vận tải Nhơn Trạch (Đồng Nai), công tác đào tạo cán bộ cho các HTX phải được đổi mới tức thì và hướng theo nhu cầu của các HTX, chứ không phải đào tạo theo những gì mà các đơn vị đào tạo đang có.
Đặc biệt, để giúp cho các HTX phát triển nhanh, bền vững, đúng như kỳ vọng của các HTX cũng như Nghị quyết mà Đại hội VI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Liên minh HTX Việt Nam đặt ra là phải tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn vay, về cơ sở hạ tầng và khoa học kỹ thuật cho các HTX.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là vấn đề vốn để phát triển các vùng nguyên liệu, đất sản xuất cũng như xây dựng các nhà sơ chế, bảo quản và tiêu thụ nông sản, xây dựng gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP...
Do vậy, các HTX rất mong có được sự liên kết của các doanh nghiệp, HTX và nhất là sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam cũng như chính quyền địa phương và các bộ, ngành.
“Để làm được điều này, chúng tôi rất mong muốn Liên minh HTX Việt Nam tích cực hơn nữa trong việc tham vấn, tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương để hỗ trợ cho các HTX một cách kịp thời và phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh”, ông Thạch nhấn mạnh.
Đồng thời, các đại biểu cho rằng, sự hỗ trợ không phải là cào bằng, chung chung, mà phải hướng đến những đối tượng cụ thể và phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền và thế mạnh cũng như những khó khăn, hạn chế của mỗi địa phương, mỗi khu vực.
Theo ông Đỗ Văn Sơ, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và sạt lở đất đai. Những năm qua, dù được sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX Việt Nam nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Để khu vực KTTT, HTX khu vực này phát triển, rất cần sự chung tay tích cực hỗ trợ nhiều hơn nữa, hỗ trợ một cách cụ thể, phù hợp với nhu cầu về địa hình, địa chất nhằm giúp các HTX có cơ hội vượt qua những khó khăn, trở ngại đang gặp phải hiện nay.
Hà Nam