Một nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại 174 HTX của 24 tỉnh, thành phố được công bố tại diễn đàn: "Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho HTX trong bối cảnh mới” hôm 24/3 cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của khu vực HTX bị giảm mạnh.
Lao đao vì Covid - 19
Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2020, có đến 82,2% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó 42,5% số HTX bị giảm hơn một nửa doanh thu so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, các HTX vận tải, du lịch bị tác động mạnh trong quá trình thực hiện và cung ứng dịch vụ. Số lượng khách hàng, hợp đồng, tour và cạnh tranh thị trường là những vấn đề bị tác động nhiều nhất.
Còn theo Bộ NN&PTNT, khoảng 60-70% HTX nông nghiệp đang chịu tác động của dịch Covid-19. Đó là chưa kể trước đó, các HTX còn chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, mưa đá, xâm nhập mặn. Nhóm chịu hậu quả nhiều nhất là các HTX sản xuất rau quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản (chiếm 30% trong hơn 15.000 HTX nông nghiệp).
Trước thực trạng trên, nhiều HTX đã chủ động nâng cao năng lực chống chịu và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19. Tiêu biểu như HTX thanh long Thuận Tiến (Bình Thuận). Dịch bệnh khiến việc tiêu thụ thanh long ở trong và ngoài nước chậm hơn. Tuy nhiên nhờ mối liên kết với doanh nghiệp, một phần thanh long vẫn được tiêu thụ đều đặn để phục vụ chế biến, còn lại một phần được bảo quản trong kho lạnh nên vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm và kéo dài thời gian thu mua.
Các đại biểu điều hành chương trình của diễn đàn "Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho HTX trong bối cảnh mới”. |
Bên cạnh đó, một số HTX ở các tỉnh phía Bắc chuyên sản xuất rau, củ, quả đã tranh thủ thời gian dịch bệnh để xây dựng lại quy trình sản xuất, đăng ký nhãn mác, chất lượng sản phẩm, đảm bảo xuất xứ, tem mác rõ ràng; xây dựng các kho bảo quản, chế biến...
Để làm được điều đó, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm quy trình sản xuất là nền tảng giúp HTX sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. Nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và UNDP cho thấy, đã có 76,8% số HTX tham gia khảo sát áp dụng số hóa để trao đổi thông tin, họp và ra quyết định tập thể. 37,4% HTX sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, sản xuất; 35,5% HTX tích cực hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm qua bán hàng online kết hợp giao hàng tận nơi.
Theo bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP, tại Việt Nam, Covid-19 tuy tác động tiêu cực nhưng cũng chính là thời gian tạm nghỉ để các HTX chuẩn bị cho tương lai. Vì vậy, dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt nhưng có những HTX đã chủ động hoặc được hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ để thích ứng với những biến động của thị trường.
Cần những hỗ trợ thiết thực hơn
Bên cạnh những HTX “đủ lớn” để vượt qua khó khăn, vẫn có những HTX không có vốn để quay vòng sản xuất, hỗ trợ người lao động và thành viên. Trước thực trạng này, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ về thuế, các loại phí-lãi suất, hỗ trợ người lao động, giảm giá tiền điện... Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng có thể tiếp cận được những hỗ trợ này.
Chẳng hạn, HTX Vụn Art (Hà Nội) chuyên sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Toàn bộ các đơn hàng xuất cho các đối tác, doanh nghiệp như: Canifa, Bò Sữa... bị hủy khiến doanh thu lợi nhuận giảm đến 90% so với 2019. Để giảm bớt những khó khăn, HTX đã vay ngân hàng bằng các khoản vay cá nhân và mong muốn tiếp cận với các chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, khi xét đến điều kiện đáp ứng thì HTX lại không đủ điều kiện hưởng thụ đa số các chính sách. “Thiếu vốn quay vòng kèm theo không được vay vốn từ ngân hàng do không đủ điều kiện, không có tài sản thế chấp buộc tôi phải vay vốn cá nhân. Tuy nhiên nguồn vốn cũng có giới hạn và một số nguồn còn phải chịu lãi nên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của thành viên”, anh Lê Việt Cường, Giám đốc HTX, chia sẻ.
Cũng khó khăn như HTX Vụn Art, HTX Chế biến kinh doanh hàng xuất khẩu Bảo Trung (Đà Nẵng) chuyên gia công các sản phẩm từ gỗ cho đối tác Nhật Bản do không xuất khẩu được nên đời sống thành viên ảnh hưởng nghiêm trọng. Để hỗ trợ thành viên, HTX quan tâm đến Nghị quyết 42/NQ-CP, Văn bản 2129/HD-NHCS, Thông tư 05/2020/TT-NHNN… với mong muốn thành viên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Chính phủ quy định những người được hưởng phải là lao động nghỉ không lương trong khi giai đoạn giãn cách, người lao động tại HTX chỉ nghỉ 15 ngày.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trong sản xuất HTX phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường nên bị tác động bởi dịch bệnh, thiên tai là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên ngoài những HTX không đủ điều kiện thụ hưởng theo yêu cầu, không ít HTX gặp khó khăn bởi các chính sách hỗ trợ còn chung chung, chưa thực tế.Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do văn bản quy định về thực thi chính sách không quy định rõ điều kiện, đối tượng thụ hưởng là HTX hoặc người lao động trong HTX. Bên cạnh đó, các chính sách vẫn còn chung chung nên gây khó khăn cho HTX khi tìm hiểu và áp dụng.
“HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, xuất phát điểm thấp nên rất cần các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên khi ban hành, các cơ quan cần phân loại đối tượng vì riêng HTX nông nghiệp đã có nhiều loại hình hoạt động. Ngoài ra còn có các HTX phi nông nghiệp, mỗi HTX lại có những đặc thù riêng trong sản xuất kinh doanh nên văn bản hướng dẫn phải cụ thể, chi tiết thì HTX mới có thể tiếp cận”, người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng cho rằng việc hoàn thiện chính sách là điều vô cùng cần thiết vì “có rồi mà không thực hiện được thì chính sách đó không hiệu quả”. Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, muốn hạn chế rủi ro từ dịch bệnh, thiên tai, HTX cần chú trọng sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin. Có như vậy mới tạo sự đột phá trong sản xuất, hạn chế sự đứt gãy chuỗi.
Về phía các HTX cũng cần năng động hơn trong việc sản xuất, liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường ổn định cũng như tạo dựng niềm tin với các tổ chức tín dụng… Bởi thực tế, vẫn còn những HTX chưa chủ động tiếp cận các chính sách để hạn chế rủi ro và nâng cao năng lực cho chính mình.
Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam và UNDP cũng cho thấy, vẫn còn 41% tổng số HTX trong nhóm khảo sát được hỏi không biết đến chính sách cho HTX vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động; 38% HTX không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh…
“HTX cần chủ động hơn để trong sản xuất và tiếp cận chính sách để mang lại những lợi ích thiết thực cho HTX và chính thành viên. Đây cũng là cách phòng ngừa rủi ro do những tác động bên ngoài gây ra”, ông Đỗ Huy Chiến, Phó chủ tịch Phụ trách Liên minh HTX TP. Hà Nội, cho biết.
Huyền Trang