Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với khu vực KTHT, HTX, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức kinh tế vừa và nhỏ. Tính đến năm 2019, dư nợ cho vay đối với HTX đạt 73.756 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 4.610 tỷ đồng. Số khách hàng dư nợ tăng từ 1.569 khách hàng năm 2003 lên 3.287 khách hàng còn dư nợ thời điểm năm 2019.
Chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng là sự đáp ứng yêu cầu của các đối tượng vay vốn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: TL) |
Nhiều HTX chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng
Theo Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), nhiều HTX chưa đủ điều kiện tiếp cận, tiếp nhận vốn tín dụng do bản thân các HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn còn yếu kém dẫn đến lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số đơn vị thiếu công khai minh bạch, thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật HTX, điều lệ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Các TCTD thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm cho vay vốn đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng (Ảnh: TL) |
Hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, số lượng dịch vụ ít, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của thị trường, sản xuất hàng hóa chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, dẫn tới chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi khi tiếp cận vốn vay tại các TCTD, phần lớn chỉ có nhu cầu tiếp cận vốn lãi suất thấp khi có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng đối với sự phát triển khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm giảm lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thanh khoản hỗ trợ TCTD, khơi thông dòng vốn tín dụng cho phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Xóa bỏ cơ chế xin - cho như thế nào?
Trong bối cảnh hiện nay, cơ chế tín dụng tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện cho HTX mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo hỗ trợ cho các HTX trong câu chuyện tiếp cận tín dụng, đặc biệt là xóa bỏ triệt để cơ chế xin cho trong quan hệ tín dụng đối với khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển theo vùng, lãnh thổ, phối hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, xã hội để thu hút sự tham gia của các HTX và thành viên HTX, xây dựng mô hình điểm về HTX kiểu mới, gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực có quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giúp cho các TCTD có cơ sở đầu tư vốn.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế hợp tác, HTX theo hướng tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của HTX trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, phát huy vai trò cầu nối giữa HTX với các doanh nghiệp và thị trường.
Dù vẫn còn những điểm nghẽn cần phải khai thông, nhưng rõ ràng việc hỗ trợ tín dụng khu vực kinh tế hợp tác, HTX thời gian qua có nhiều điểm đáng ghi nhận. Đó là, các TCTD đã kịp thời triển khai các giải pháp về tăng cường kiểm soát và quản trị rủi ro tín dụng bằng việc nâng cao khả năng thẩm định nhu cầu vay vốn, đánh giá rủi ro tín dụng, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX có nhiều cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng.
Cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác của Nhà nước đầu tư tín dụng ngân hàng đã thúc đẩy sự phát triển của các HTX, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên, giải quyết công ăn việc làm, ổn định kinh tế, xã hội.
Châu Thành