Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 13, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025, ước tính đến hết tháng 12/2024, cả nước có 33.557 HTX, 141 liên hiệp HTX và 72.183 tổ hợp tác (THT).
Giảm không hẳn do hoạt động không hiệu quả
Con số trên cho thấy, trong khi số lượng THT giảm 1.893 trong năm 2023, thì số lượng HTX năm 2024 lại tăng thêm 1.454 HTX, và cùng thời gian này, số liên hiệp HTX cũng tăng thêm 11 so với năm 2023.
Nhận định về vấn đề này, bà Phạm Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX - Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trong tổng số 72.183 THT trên cả nước, có tới 52.066 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 72%. Mặc dù vậy, số THT nông nghiệp cũng giảm 832 THT so với năm 2023.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Luật HTX năm 2023 có rất nhiều ý nghĩa với khu vực kinh tế tập thể. Các quy định về Liên minh HTX, về HTX, Liên hiệp HTX và tổ hợp tác rất tường minh, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện trong thực tiễn. |
Việc nhiều THT chuyển đổi thành HTX và hoạt động hiệu quả đã tạo ra sự dịch chuyển đáng kể trong bức tranh kinh tế tập thể. Một số vùng ghi nhận sự gia tăng THT so với năm 2023, như Đồng bằng sông Cửu Long tăng 682 THT, Đông Nam Bộ tăng 292 THT, Bắc Trung Bộ tăng 121 THT. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác lại giảm mạnh số lượng THT, điển hình như Lào Cai (giảm 1.378 THT), Bình Định (giảm 940 THT), Hà Nội (giảm 886 THT).
Theo đánh giá của các đại biểu, xu hướng nâng cấp mô hình liên kết từ THT lên HTX đang ngày càng được quan tâm. Việc này không chỉ tạo ra khung pháp lý và cơ sở vật chất tốt hơn, mà còn tạo điều kiện để các thành viên trong khu vực kinh tế tập thể tương trợ lẫn nhau, tăng cường năng lực cạnh tranh, và cùng hướng đến phát triển bền vững.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) chia sẻ tại hội nghị. |
Khi một số tổ hợp tác (THT) còn hoạt động với quy mô nhỏ và thiếu định hướng rõ ràng, việc nâng cấp lên hợp tác xã (HTX) - sau khi đạt đủ điều kiện và nhận được sự đồng thuận từ các thành viên - có thể giúp khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của kinh tế tập thể. Sự chuyển đổi này cho phép các THT không chỉ xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh một cách bài bản hơn, mà còn chủ động hơn trong việc cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
Đáng chú ý, THT đóng vai trò như một bước đệm quan trọng, kết nối các hộ sản xuất đơn lẻ để từng bước phát triển lên HTX – một mô hình được đánh giá rất phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Lợi thế từ Luật HTX 2023
Việc nâng cấp từ THT lên HTX còn được thúc đẩy nhờ Luật HTX 2023, chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2024. Luật quy định rõ các điều kiện thuận lợi, hỗ trợ THT trong quá trình chuyển đổi. Cụ thể, khi THT chuyển thành HTX sẽ được miễn phí hồ sơ, thủ tục chuyển đổi; miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX cũng như phí công bố nội dung đăng ký trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích THT vươn lên, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông chia sẻ tại hội nghị. |
Các loại phí như phí thẩm định, phí và lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi chuyển đổi lên HTX, hay lệ phí môn bài… đều được miễn. Đồng thời, khi THT chuyển thành HTX, họ còn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn hoặc giảm theo thời hạn quy định trong pháp luật về thuế.
Những quy định rõ ràng và thuận lợi về mặt pháp lý này được xem là đòn bẩy giúp các HTX không chỉ tăng về số lượng mà còn nâng cao chất lượng. Đây cũng là bước đệm để các HTX phát triển thành liên hiệp HTX, tạo điều kiện liên kết sản xuất, kinh doanh trên quy mô hàng hóa lớn và đa dạng giữa các địa phương, vùng miền.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Luật HTX năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt đối với khu vực kinh tế tập thể, khi các quy định về liên minh, HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác đều rất minh bạch, tạo thuận lợi và tăng tính khả thi trong quá trình triển khai trên thực tế.
Các đại biểu đều đánh giá cao vai trò của Liên minh HTX Việt Nam trong bảo vệ quyền và lợi ích cho thành viên. |
Theo TS. Võ Thị Kim Sa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Luật HTX 2023 chú trọng giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi trong tổ chức và quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp HTX..., bao gồm cả các quy định về giải thể, phá sản.
Điểm đáng chú ý, Luật HTX 2023 đã đưa tổ hợp tác (THT) vào phạm vi điều chỉnh, đồng thời hướng dẫn rõ ràng cách chuyển đổi từ THT lên HTX cùng các chính sách khuyến khích. Điều này tạo điều kiện cho người dân từng bước làm quen với mô hình kinh tế tập thể, bắt đầu từ THT rồi dần nâng tầm lên HTX.
Thực tế, phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là mô hình HTX, không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Ở nhiều địa phương, người dân từ chỗ chưa hề biết liên kết, hợp tác là gì không thể ngay lập tức chuyển sang các mô hình tổ chức cao cấp như HTX hay liên hiệp HTX. THT chính là bước đệm quan trọng, và sự hỗ trợ từ Luật HTX 2023 giống như việc trao cho các THT một “chiếc áo rộng” hơn để phát triển, sau khi họ đã "mặc" chiếc áo chật chội của mô hình cũ quá lâu.
Huyền Trang-Phạm Hòa