Rất nhiều phụ nữ đang tham gia lãnh đạo hoặc lao động tại các mô hình kinh tế tập thể, dẫn dắt mô hình này hoạt động hiệu quả và đạt được những thành công nhất định. Tiêu biểu như HTX Suối Giàng (Yên Bái) được dẫn dắt bởi Giám đốc Lâm Thị Kim Thoa đã đưa sản phẩm chè Suối Giàng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập từ cây chè cổ thụ.
Lợi thế kinh tế tập thể thu hút phụ nữ tham gia
Thực tế ở 63 tỉnh, thành phố đều có những HTX do phụ nữ làm chủ. Và nhiều phụ nữ đã thể hiện được năng lực quản lý, bản lĩnh vượt trội của mình khi trở thành những người đứng đầu hoặc tham gia trong mô hình quản lý của các HTX, từ đó đưa HTX phát triển vượt bậc và được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý.
Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế biến động, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ vẫn đang chứng minh khả năng hoạt động bền vững vì không chỉ đóng góp phát triển kinh tế mà còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Việc phụ nữ lựa chọn khởi nghiệp hoặc tham gia các mô hình kinh tế tập thể được cho là vì mô hình này có nhiều ưu điểm.
Theo thống kê, kinh tế tập thể, HTX đang đóng góp khoảng 4% GDP cả nước và tạo việc làm cho khoảng 8 triệu thành viên và tác động đến đời sống của hàng chục triệu người thuộc hộ gia đình thành viên.
Kinh tế tập thể, HTX cũng được Nhà nước khẳng định là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo, trong đó khoảng 50% lao động trong các HTX hiện nay là phụ nữ.
Đặc biệt, mô hình kinh tế tập thể được đánh là có ưu điểm là nguồn vốn đầu tư ít, thu hút được nguồn lao động tại chỗ khá ổn định và dồi dào. Trong khi HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực nên phù hợp với năng lực, nhu cầu của nhiều phụ nữ khi bắt đầu lập nghiệp, muốn nâng cao thu nhập.
Nhiều phụ nữ đang lựa chọn mô hình HTX để khởi nghiệp, nâng cao thu nhập. |
Chị Nguyễn Thị Mùi, sáng lập viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (Hà Nội), cho biết mô hình kinh tế tập thể, HTX đang được Nhà nước và các địa phương quan tâm trong tái cơ cấu kinh tế nên khi phụ nữ lựa chọn mô hình này để phát triển kinh tế sẽ khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh của các nguồn lực địa phương, từ đó tạo thuận lợi trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, HTX được đánh giá là mô hình có sự linh hoạt nên dễ thích ứng, thậm chí vượt qua được khó khăn của nền kinh tế thị trường. Nhất là khi nền kinh tế đang chịu tác động từ thiên tai, dịch bệnh như hiện nay, nhưng khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn không phải cắt giảm lao động mà vẫn có thể nhanh chóng thu hút lại lực lượng lao động từ những mô hình kinh tế khác. Bằng chứng là nhiều lao động là phụ nữ sau khi nghỉ việc tại các nhà máy do bị cắt giảm nhân sự đã lựa chọn mô hình kinh tế tập thể là nơi làm việc, phát triển.
Còn theo Thống kê của Bộ KH&ĐT, nếu như trong quý 1/2023, cả nước có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thì ở khu vực kinh tế tập thể chỉ có 31 HTX giải thể. Đây là minh chứng cho sức sống bền bỉ của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế nói chung.
Nâng quyền năng phụ nữ trong HTX
Tuy nhiên, một điều đáng nói hiện nay là dù đã có nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo các HTX nhưng con số này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 20-30% trong tổng số các HTX. Bên cạnh đó, các HTX này vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình quản lý, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những HTX ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Thái Nguyên, bà Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX nông sản an toàn Liên minh (Võ Nhai, Thái Nguyên) đang sản xuất các sản phẩm đặc trưng như chè, trà hoa đu đủ, cho biết thực tế cho thấy, phụ nữ trong HTX vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, tìm đầu ra cho sản phẩm, giá cả không ổn định… Do đó, HTX mong muốn tiếp tục nhận được những giải pháp hỗ trợ, giúp các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia phát triển hơn nữa.
Chị Đinh Thị Thu, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Cao (Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hoạt động, kinh doanh nông sản an toàn, phát triển theo hướng bền vững đang cần có thêm nguồn vốn đầu tư để nâng giá trị sản phẩm. Nếu được tiếp cận với các nguồn vốn một cách thuận lợi sẽ giúp HTX, tổ hợp tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất nông sản cũng như đào tạo cán bộ, người lao động.
Không dừng lại ở đó, phụ nữ làm chủ các HTX hiện cũng gặp rào cản khi phải cân bằng giữa cuộc sống gia đình và việc quản lý HTX nên sẽ gây ra áp lực về mặt thời gian trong giải quyết công việc, nâng cao kỹ năng quản lý, nâng cao tri thức…
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết, xu thế phụ nữ tham gia làm chủ các tổ chức kinh tế tập thể ngày càng phổ biến. Hiện, toàn tỉnh có 695 HTX, trong đó có 146 HTX có người quản lý, điều hành là nữ. Các HTX do phụ nữ quản lý đang khẳng định hướng đi đúng trong việc thu hút, tập hợp lực lượng lao động nữ tham gia khu vực kinh tế tập thể, HTX, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Trước vai trò của HTX trong phát triển kinh tế tập thể, Nhà nước cũng đang có những chính sách hỗ trợ các HTX do nữ quản lý, HTX do nữ khởi nghiệp, HTX sử dụng nhiều lao động nữ. Ngay trong Luật HTX 2023 hiện cũng đã có những quy định ưu tiên cho các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, để thu hút phụ nữ vào HTX cũng như nâng cao năng lực của các HTX do phụ nữ làm chủ, các chuyên gia cho rằng cần giúp các HTX này tháo gỡ những khó khăn về quy mô nhỏ, vốn mỏng, sự bất bình đẳng giới tính để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mô hình này cũng như thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Huyền Trang