Khó chồng khó
Từ lâu làng dệt Duy Trinh được biết đến với nghề dệt vải, có tuổi đời hơn 300 năm. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, làng dệt Duy Trinh gặp phải vô vàn khó khăn, người dân dần dần bỏ nghề. Từ chỗ gần 200 hộ nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và dệt vải thì nay khung cảnh khá yên ắng khác lạ, tiếng thoi đưa thưa thớt, chỉ còn lác đác ở vài nhà.
Máy móc bỏ hoang, làng nghề dệt dần mai một (Ảnh: TL) |
Nếu như trước đây cả làng có 160 ha đất nông nghiệp được bà con trồng dâu, nuôi tằm. Sản phẩm làm ra được mang đi tiêu thụ khắp nơi, từ Hà Nội đến TP HCM. Nhưng từ khi sản xuất công nghiệp phát triển thì nghề dệt lụa truyền thống cũng bắt đầu suy sụp.
Lý do là trong quá trình quy hoạch, mua bán đất đai khiến diện tích trồng dâu hẹp dần. Những hộ còn nhiều đất cũng chuyển đổi sang trồng dưa và các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, mấy năm nay thời tiết thay đổi, việc nuôi tằm lấy kén gặp khó khăn, do thu nhập không cao và điều kiện làm việc vất vả nên nhân công trong làng cũng dần bỏ nghề.
Cùng chung số phận là làng tơ lụa Mã Châu, được hình thành từ thế kỷ XVI, nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa.Thời hoàng kim, làng tơ lụa Mã Châu có đến hơn 2.000 ha trồng dâu nuôi tằm. Còn hiện tại, những vườn dâu nhường chỗ cho các loại cây trồng khác. Đa phần người dệt lụa cũng chuyển sang làm công việc khác. Dạo một vòng quanh làng, chỉ nghe thưa thớt tiếng khung cửi lách cách.
Vực dậy làng nghề truyền thống
Cũng vì lẽ đó mà kéo theo hệ lụy là các HTX ngành may mặc cũng lâm vào cảnh khốn khó. Có thể kể đến như HTX dệt Duy Trinh (xã Duy Trinh), HTX Tơ lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước).
Mặc dù cả hai HTX này đều có thâm niên hoạt động trên 40 năm và có nhiều kinh nghiệm thương trường nhưng trước "cơn gió" thị trường, cả hai đều gặp những "sang chấn" mà nếu vẫn giữ nếp làm ăn cũ, không có cách suy nghĩ, phương thức sản xuất, kinh doanh mới sẽ khó để trụ vững.
Nhưng như người ta vẫn nói "Trong nguy có cơ", đứng trước nguy cơ ngành dệt đang gặp phải những trở ngại, nguồn vốn của HTX hạn chế, không đủ để nâng cấp, mở rộng quy mô máy móc, công nghệ. Đặc biệt các HTX đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ những cơ sở dệt tư nhân... Thì đây lại là lúc các HTX ngồi lại tìm đường đi nước bước, cơ cấu lại sản xuất và quyết tâm vực dậy.
Nhờ chính sách hỗ trợ của HTX Duy Trinh, người dân đã dần cải thiện được kinh tế gia đình từ nghề dệt (Ảnh: TL) |
Trong khi đang loay hoay chưa tìm được lối thoát thì năm 2012, HTX dệt Duy Trinh được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho vay 1 tỷ đồng để nâng cấp, sữa chữa máy móc phục vụ sản xuất. HTX đã củng cố bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng chiến lược kinh doanh, đảm bảo được quyền lợi cho thành viên và người lao động. HTX đã đưa ra nhiều chính sách thiết thực.
Theo đó, người dân chỉ lo dệt vải, còn việc tìm đầu ra cho sản phẩm thì đã có HTX lo. Đối với những hộ dân không có vốn để đầu tư, chuyển đổi từ máy dệt vải bằng gỗ sang dệt bằng máy thì HTX hỗ trợ nguồn vốn. Tùy theo hoàn cảnh của từng hộ, HTX sẽ có mức hỗ trợ từ 30 - 70% nguồn vốn để mua sắm máy móc. Số tiền này sẽ được trừ dần khi họ dệt thành phẩm và bán cho HTX. Còn những hộ không có tiền, HTX sẵn sàng hỗ trợ 100% vốn vay để người dân duy trì năng suất sản xuất. Có thể nói, HTX đã vực dậy được cả làng truyền thống có nguy cơ bị mai một.
Chị Hồ Thị Nhị (thôn Phú Bông) chia sẻ, gia đình chị có 4 máy dệt, bình quân mỗi tháng dệt được 4.000m vải, sau khi trừ chi phí thu nhập hơn 7 triệu đồng.
“Trước đây, không thể bám trụ với nghề vì sản phẩm bán ra thấp, lại không có thị trường tiêu thụ thường xuyên nên rất bấp bênh. Chúng tôi đã có lúc bỏ xứ vào Nam để mưu sinh. Nay có sự hỗ trợ từ HTX, kinh tế gia đình đã khá hơn” - chị Nhị cho biết thêm.
Còn ở HTX Tơ lụa Mã Châu cũng đã nhanh chóng phát triển trở lại do tái tổ chức sản xuất, khai thông đầu ra. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh chẳng những hồi phục mà còn "bứt lên", cạnh tranh với các đơn vị sản xuất tơ lụa khác. Lúc cao điểm, có đến 400 nhân công ươm tơ chia làm 3 ca. Hàng ngàn hecta dâu phục vụ nuôi tằm đã cung cấp đủ lượng kén để ươm tơ. HTX đã giải nguy cho cả làng tơ lụa Duy Xuyên và các làng nghề khác.
Tuy nhiên, nếu chỉ một mình các HTX "đơn thương, độc mã" sẽ khó có thể phát triển bền vững được. Quan trọng là phải có những chính sách hỗ trợ về vốn, trang thiết bị, quy hoạch nguồn nguyên liệu... thì các làng nghề mới có điều kiện “sống lại” và phát triển bền vững.
Đan Nam