Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, hoan nghênh Liên minh HTX quốc tế và Liên minh HTX khu vực châu Á – Thái Bình Dương (TBD) đã chọn Việt Nam là nơi tổ chức Diễn đàn.
Điều đó thể hiện sự quan tâm của Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á – TBD tới Việt Nam, về những nỗ lực và thành tựu đã đạt được trong thời gian qua của Liên minh HTX Việt Nam với khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Thách thức pháp lý
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, phong trào HTX không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp những khó khăn, thách thức. Đó là hệ thống khung khổ pháp lý và chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực HTX còn nhiều bất cập, còn có những chủ trương chính sách đối với HTX chưa thực sự khả thi, nhất là những chính sách về đất đai, tín dụng, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX, các chính sách liên quan đến thuế cho HTX…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề là liệu chúng ta có cần một khung khổ pháp lý riêng dành cho HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không với tính chất hết sức đặc thù của HTX nông nghiệp.
"Mong rằng thông qua Diễn đàn này, các đại biểu quốc tế sẽ góp ý thêm cho Việt Nam về khung khổ pháp lý. Sau Diễn đàn, cần có những tổng hợp để đề xuất với Chính phủ về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho HTX, vấn đề tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với HTX và phát huy vai trò của Liên minh HTX Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.
Các đại biểu quốc tế trao đổi tại Diễn đàn |
Với chủ đề trọng tâm là "Tạo lập khung khổ pháp lý và chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực HTX trong thế kỷ 21", nhiều ý kiến từ những nhà lập pháp, hoạch định chính sách, chuyên gia trong nước và quốc tế đã nhấn mạnh các vấn đề pháp lý và chính sách có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đến hoạt động của HTX trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo về chủ đề khung khổ pháp lý về HTX trong khu vực châu Á – TBD, bà Kaore Abe, cán bộ chương trình phụ trách hợp tác và huy động nguồn lực, Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) khu vực châu Á – TBD, khẳng định HTX là đối tác quan trọng, giải quyết vấn đề nghèo đói. Vai trò của HTX, đặc biệt của HTX nông nghiệp để đạt được phát triển bền vững, HTX có vai trò quan trọng để kết nối nông thôn để giải quyết các vấn đề về giảm nghèo đói, biến đổi khí hậu…
Với vai trò là Chủ tịch Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á – TBD, ông Li Chunsheng, khẳng định chủ đề trọng tâm của Diễn đàn lần này là cực kỳ quan trọng với Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cho các HTX trong thế kỷ 21. Các HTX cần nhận thức những xu thế mới và các vấn đề mới đang nổi lên để theo kịp, nhất là HTX cần có những cơ sở pháp lý được tạo dựng từ cấp Chính phủ cùng sự phối hợp với HTX.
Vì mục tiêu bền vững
"Khung khổ pháp lý thuận lợi sẽ mang lại sự tích cực và gia tăng giá trị để thúc đẩy các HTX phát triển tốt đẹp hơn, đóng góp vào sự phát triển bền vững. Đây là thời điểm quan trọng để các HTX tiếp tục đổi mới không ngừng trong điều kiện môi trường pháp lý", ông Li Chunsheng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng – Phó ban chỉ đạo thường trực Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, kết quả thảo luận tại Diễn đàn lần này sẽ giúp cho các quốc gia định hình được hướng đi trong tương lai, nhất là việc gắn kết được giữa các HTX với sự bùng nổ về công nghệ cũng như sự lan toả mạnh của đổi mới sáng tạo, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển HTX từ các nước ở châu Á – TBD, đồng thời cũng chia sẻ những thành tựu của ngành HTX ở Việt Nam để góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của phong trào HTX quốc tế nói chung và khu vực châu Á – TBD nói riêng.
Các vấn đề pháp lý và chính sách có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đến hoạt động của HTX trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững |
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết những nội dung, kinh nghiệm được trao đổi, chia sẻ tại Diễn đàn sẽ là những tư liệu có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu trong quá trình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo Quyết định số 212/ QĐ-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ và việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Trao đổi với giới báo chí trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết trong vấn đề pháp lý của HTX hiện nay vẫn còn một số nút thắt, một số vấn đề chưa đủ mức cụ thể. Chẳng hạn như về chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải được cân đối và thực thi một cách đầy đủ và có khả năng nguồn lực để bố trí. Đơn cử như xúc tiến thương mại, về công nghệ, về tín dụng, về pháp lý và một số thủ tục hành chính trong thành lập HTX vẫn chưa được thông thoáng.
"Cho nên, đòi hỏi phải tiếp tục tháo gỡ những khó khăn đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HTX huy động được nguồn lực từ thị trường, cũng như tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để tiếp tục phát triển", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra Lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam và một số bộ, ban, ngành, tổ chức, tập đoàn kinh tế, ngân hàng, cơ quan đào tạo, nghiên cứu: Hội Luật gia Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ngân hàng HTX Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, Ngân hàng SCB, CTCP Lavifood… để huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Thế Vinh