Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX 2012.
Theo Chỉ thị, cùng với doanh nghiệp (DN) nói chung, HTX cũng là một thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với DN trong tiêu thụ, chế biến.
HTX là nhân tố quan trọng
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 19.569 HTX. Giai đoạn 2013 - 2016 đã có 5.641 HTX thành lập mới, trong đó có khoảng 30% số HTX trên cả nước hoạt động hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết doanh thu của HTX và thu nhập của người lao động thời gian qua đã được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên.
Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể (KTTT) cho GDP của cả nước trong thời gian qua đạt trên 4%, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, xã hội.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng dẫn chứng số liệu của Ban kinh tế Trung ương cho biết trong khối kinh tế tư nhân, tỷ lệ đóng góp vào GDP của 13 triệu hộ cá thể nông thôn và đô thị đã chiếm tới hơn 33%, cao hơn tỷ lệ của các DNNVV trên cả nước.
Hiện, có rất nhiều HTX hoạt động theo mô hình tập đoàn, như: Coopmart, HTX Rạch Gầm, HTX Evergrowth, HTX Sữa Thống Nhất, HTX Anh Đào…
Sau 5 năm thực triển khai Luật HTX 2012, khu vực KTTT, nòng cốt là HTX, dù còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu tạo được chuyển biến về cả chất lượng, hiệu quả, ngày càng khẳng định rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTT vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các HTX vẫn còn yếu kém về cả cơ sở vật chất và năng lực quản lý.
Liên minh HTX Việt Nam chủ trương phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển KTHT, HTX, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động để cung ứng các dịch vụ về công nghệ, quản trị và xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, xác định yêu cầu cấp thiết trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của các HTX, đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Liên minh HTX Việt Nam cũng đã phối hợp với đối tác Nhật Bản, xúc tiến chương trình phần mềm kết nối các HTX. Đồng thời, triển khai phần mềm kiểm toán được đối tác Đức hỗ trợ phát triển áp dụng trong công tác hạch toán chi phí của HTX, bảo đảm tính công khai minh bạch cho các HTX.
Buổi làm việc giữa Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam với Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ |
Gỡ khó cho các HTX
Về phía Bộ KH&CN, Thủ tướng chỉ thị phải nghiên cứu, có cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ HTX, Liên minh HTX trong hoạt động ứng dụng KH-KT và công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, cạnh tranh, tham gia vào chương trình KH&CN quốc gia.
Ông Tạ Việt Dũng cho biết Viện Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ cùng Liên minh HTX Việt Nam giải bài toán đáp ứng nhu cầu công nghệ cho các HTX, tạo ra các điểm kết nối cung cầu công nghệ.
Bên cạnh đó, xây dựng các trung tâm ứng dụng KH&CN tại các địa phương, tìm hiểu nhu cầu công nghệ tại những địa phương đó.
Đồng thời, tổ chức những buổi giới thiệu công nghệ trực tuyến từ nước ngoài, xây dựng sàn giao dịch công nghệ, sau đó sẽ có đánh giá hàng năm nhằm hỗ trợ các HTX tối đã về ứng dụng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề xuất với Bộ KH&CN phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, kết nối trung tâm dữ liệu về các sản phẩm công nghệ, dữ liệu của các chuyên gia tư vấn, nhằm giới thiệu đến các HTX để các HTX có thể truy cập.
Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, hai cơ quan cần phối hợp giới thiệu công nghệ cho các chuỗi sản phẩm, áp dụng ứng dụng công nghệ, tập trung điều tra cung cầu theo các chuỗi giá trị. Đồng thời, tổ chức các hội chợ xúc tiến công nghệ, bên cạnh hội chợ nông sản quốc gia do Liên minh HTX tổ chức, thành lập đề án xây dựng những chính sách ưu đãi cho các HTX trong các chương trình công nghệ cho HTX.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, vừa ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, được thực hiện trên phạm vi cả nước.
Nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần, bao gồm: Ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, vốn sự nghiệp KH&CN, nguồn khuyến công, khuyến nông, các nguồn vốn lồng ghép khác của Trung ương và địa phương.
Thùy Linh