Mới đây, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thông báo điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD (cảng nội địa) liên kết gồm ICD Phúc Long, ICD Transimex, ICD Tanamexco và ICD Sotrans.
Áp lực chi phí logistics cao đè nặng
Theo đó, kể từ 1/4 tới, đơn giá dịch vụ vận chuyển container nhập tàu tuyến từ cảng Tân cảng Cát Lái đến các cảng ICD liên kết tăng 10%; đơn giá dịch vụ vận chuyển container xuất tàu tuyến từ các cảng, ICD liên kết đến cảng Tân cảng Cát Lái tăng 30%. Giá dịch vụ vận chuyển đối với container xuất, nhập tàu tuyến vận chuyển qua lại giữa cảng Đồng Nai và cảng Tân cảng Cát Lái cũng tăng 10%…
Trong khi giá cước đường bộ và đường thủy ở Việt Nam đang rục rịch tăng lên do giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua bởi ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine thì giá vận tải biển đi các tuyến quốc tế cũng đang cao ngất ngưởng, quá sức chịu đựng của các HTX xuất khẩu nông sản.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết ngoài tiêu thụ nội địa, HTX còn thực hiện chế biến chuối sấy để cung cấp sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ. Đây là hướng đi quan trọng cho HTX khi xuất khẩu sang Trung Quốc đang trong giai đoạn chậm chạp.
Tuy nhiên, logistics lại là khó khăn lớn cho HTX bởi giá tăng cao đột ngột, việc đặt tàu khó khăn hơn. Chẳng hạn như việc chuyên chở nông sản sang Mỹ hay vấn đề lấy được hàng ra để vận chuyển đến các điểm cung ứng, tiêu dùng cũng mất nhiều thời gian hơn. Trước chỉ khoảng 17-21 ngày là kết thúc một chuyến hàng xuất khẩu từ cảng Cát Lái đến cảng Los Angeles nhưng hiện nay, thời gian của một chuyến hàng là 35-40 ngày, thậm chí là... không có thời hạn!
Chi phí logistics tăng phi mã đang làm khó các HTX xuất khẩu nông sản. |
Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng trái chuối, bởi công nghệ bảo quản vẫn còn những hạn chế nhất định.
Chi phí logistics trong một năm qua tăng gấp 3 lần. Cụ thể là năm 2020, giá vận chuyển là 105 triệu đồng/container 40 feet thì từ tháng 1 - 4/2021 tăng lên 130 triệu đồng, đến tháng 5/2021 lên 150 triệu đồng và từ tháng 6 đến tháng 10/2021 là 220 triệu đồng. Còn từ tháng 11/2021 đến nay, giá vận chuyển đã lên tới 300-330 triệu đồng.
“Chi phí logistics tăng là một thử thách quá lớn đối với các HTX, vì vấn đề xuất khẩu sang các thị trường khó tính không phải là chuyện đơn giản, trong khi khó khăn về dịch bệnh cũng đang thu hẹp thị trường tiêu thụ”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng là đơn vị vừa sản xuất vừa kinh doanh, mỗi năm HTX Thanh long Thuận Tiến (Bình Thuận) xuất khẩu từ 600 – 1.000 tấn trái thanh long đạt chuẩn GlobalGAP sang thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Canada... Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng nên đang ảnh hưởng rất lớn lợi nhuận của HTX.
Giám đốc Trần Đình Trung cho biết trước khi dịch bệnh xảy ra, giá vận chuyển là 3,9 USD/kg thanh long thì nay đã tăng lên gần 6 USD/kg.
“Việc ký hợp đồng xuất khẩu thường kéo dài nhiều năm nên khi chi phí logistics tăng, việc đàm phán lại hợp đồng là không thể. Điều này khiến HTX đứng giữa khó khăn: nếu không xuất khẩu tiếp thì phải đền bù hợp đồng, còn nếu tiếp tục xuất hàng thì cầm chắc thua lỗ”, ông Trung nói.
Thực tế, cước vận tải vẫn tiếp tục là thách thức lớn với các HTX xuất khẩu nông sản. Bởi ở thời điểm này, các hãng tàu không còn cạnh tranh với nhau nữa mà "bắt tay" để nâng giá. Trong khi nhu cầu của HTX rất cao, vì xuất khẩu đường bộ và đường thủy sang Trung Quốc hiện đều nhỏ giọt.
Theo dự báo, giá vận chuyển container chưa biết khi nào sẽ hạ nhiệt, đồng nghĩa với khó khăn về logistics của HTX cũng chưa rõ thời điểm chấm dứt.
"Hụt hơi" vì hàng rào kỹ thuật cao
Không chỉ gặp khó với chi phí vận chuyển, các HTX còn phải vượt qua những hàng rào kỹ thuật rất khắt khe của nước nhập khẩu đặt ra nếu muốn xuất khẩu thành công.
Chẳng hạn, thị trường Úc yêu cầu trái thanh long phải trải qua công đoạn kiểm tra, khử trùng qua hơi nước nóng trong vòng 45 phút.
Ông Nguyễn Văn Nga, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng (Đồng Nai) cho biết công đoạn này này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quả thanh long. Nếu xuất 1 container thì chỉ còn một nửa container là đạt yêu cầu sau khi khử khuẩn bằng hơi nước nóng.
“Úc thực chất có chất lượng nông sản rất tốt, họ đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu thanh long sang nhưng HTX phải đáp ứng được khâu khử khuẩn bằng hơi nước nóng. Hay nói cách khác, HTX muốn xâm nhập thị trường này thì phải vượt qua hàng rào kỹ thuật mà họ đặt ra”, ông Nga nói.
Không chỉ Úc mà một số nước khác cũng yêu cầu nghiêm ngặt trong xuất nhập khẩu. Cụ thể là Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản hiện đều yêu cầu nông sản, nhất là các loại trái cây của Việt Nam khi xuất sang phải trải qua công đoạn chiếu xạ. Thậm chí, đơn vị nhập khẩu của các nước này còn yêu cầu vừa chiếu xạ ở Việt Nam, vừa chiếu xạ khi tới nước họ với lý do kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi tiêu thụ.
Các nước phát triển kiểm soát chặt chẽ nông sản nhập khẩu, nhưng nếu HTX tuân thủ tốt các quy định thì sẽ được thông quan hàng hóa rất nhanh. |
Theo chia sẻ của các HTX, việc chiếu xạ là quá trình sử dụng năng lượng bức xạ ion hoá để xử lý sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản của sản phẩm. Tuy nhiên, đối với các loại quả có thịt mềm như xoài, chuối, thanh long thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng ít nhiều. Bởi thông qua quá trình này, quả sẽ bị mềm, nhũn và không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu và bị loại.
Bà Lê Thị Phương Chi, Chủ tịch HĐQT HTX thanh long Hàm Minh (Bình Thuận), cho biết để xuất khẩu được sang các nước châu Âu, HTX phải vận chuyển thanh long lúc trời mát, tránh đường xóc sốc. Trong quá trình vận chuyển quả từ vườn tới cơ sở sơ chế, rồi đến nhà máy xử lý nước nóng, hoặc chiếu xạ đều phải làm từ từ để chuyển biến nhiệt phù hợp vì sau khi chiếu xạ là đến công đoạn đóng gói và bảo quản lạnh để vận chuyển đường dài. Tuy nhiên, khi sang một số nước, thanh long lại tiếp tục chiếu xạ thì số lượng quả còn lại có thể sử dụng chỉ còn khoảng một nửa.
Thực chất, nhiều HTX đang thiếu kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam chủ yếu là tìm kiếm vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Theo các chuyên gia, việc xử lý nông sản bằng hơi nước nóng hay chiếu xạ chính là các hàng rào kỹ thuật và quy định về an toàn vệ sinh, kiểm dịch động thực vật buộc các HTX phải vượt qua. Vì mục tiêu của các nước phát triển hướng đến cuối cùng chính là sức khỏe người tiêu dùng. Thậm chí, các nước như Mỹ và EU còn có lịch định kỳ trực tiếp sang kiểm tra hàng hóa của các HTX khi có ký kết hợp đồng xuất khẩu.
Nếu như khó khăn về logistics nằm ngoài tầm kiểm soát của HTX thì những trở ngại về kỹ thuật, HTX hoàn toàn có thể vượt qua bằng cách nghiêm túc sản xuất theo quy trình bền vững, xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản trong trung và dài hạn nhằm đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Và chỉ có sản xuất bài bản, nắm bắt các xu hướng tiêu dùng trên thế giới thì các HTX mới hạn chế được những bất lợi, tiết kiệm chi phí, giảm tỷ lệ hàng bị từ chối vì các nước phát triển có thiết bị kiểm nghiệm rất hiện đại.
Ngoài ra, ông Lê Văn Hậu (Công ty cổ phần Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol) cho biết nông sản Việt Nam muốn xuất khẩu thu được giá trị cao cần làm tốt công nghệ bảo quản. Như Nhật Bản có công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào, giữ được trái cây tươi lâu cả năm trời, chất lượng vẫn đảm bảo. Hay Úc phát triển các công ty chiếu xạ ở khắp đất nước để hạn chế vận chuyển nông sản thời gian dài, tránh tình trạng trái cây bị nhũn, mềm, hỏng khi xuất khẩu... Tuy nhiên, để làm được điều này, HTX không thể đơn độc mà rất cần sự hỗ trợ vào cuộc từ các cấp ngành.
Huyền Trang