Xác định bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là yếu tố then chốt, HTX Nông nghiệp Bình Hòa (tỉnh Đồng Tháp) áp dụng kỹ thuật cung cấp nước "ngập - khô xen kẽ" trong sản xuất lúa hàng hóa. Đây là phương pháp canh tác lúa tiết kiệm nước, giảm phát khí thải nhà kính được HTX áp dụng nhiều năm qua.
Theo đó, các thành viên duy trì mực nước ở ruộng từ 5 - 10cm, vừa đủ cho lúa nuôi hạt, khi lúa bắt đầu chín sẽ rút nước đi. Kỹ thuật "ngập - khô xen kẽ", giảm lượng nước tưới trên ruộng lúa là phương pháp giúp giảm ít nhất khoảng 3,5 lần lượng khí thải nhà kính so với các ruộng lúa để nước ngập suốt cả vụ. Phương pháp này còn giúp người dân, HTX tiết kiệm được chi phí mà không làm giảm năng suất.
Chờ khung khổ pháp lý
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất lúa, mà nhiều mô hình từ trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng… của các HTX đã làm rất tốt việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật hướng đến giảm khí thải nhà kính.
Tuy nhiên, làm sao để các HTX có thể biến quy trình sản xuất xanh thành tín chỉ carbon, thành một loại hàng hóa thì còn rất nhiều việc phải làm.
Bởi để có tín chỉ carbon, HTX sẽ trải qua nhiều quy trình đánh giá tác động sản xuất kinh doanh. Nếu HTX đã thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh để giảm phát thải nhà kính thì có thể quy thành tín chỉ carbon. Tuy nhiên, tín chỉ carbon này phải đủ chất lượng, được xác nhận thì mới có thể thành hàng hóa. Nhưng theo các chuyên gia, hiện nay, quy trình đánh giá, xác nhận tín chỉ rất phức tạp do thị trường quốc tế có nhiều tổ chức tham gia, trong khi Việt Nam chưa hoàn thiện quy trình này.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận (Quảng Nam), cho biết hiện HTX chưa biết các tiêu chí, tiêu chuẩn về tín chỉ carbon là tiêu chuẩn riêng của Việt Nam hay được lồng ghép với tiêu chuẩn của thế giới hoặc thừa nhận luôn tiêu chuẩn của thế giới? Vì qua tìm hiểu, các thành viên HTX biết rằng khung pháp lý của Việt Nam về tín chỉ carbon mới ở giai đoạn bắt đầu xây dựng.
“Ngay như tiêu chuẩn VietGAP, nhiều đơn vị thứ ba (đơn vị chứng nhận) ở Việt Nam có thể làm được nhưng đối với tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế thì không phải đơn vị thứ ba nào ở Việt Nam cũng có thể làm được. Nên việc có được quy định rõ ràng để có hướng đi phù hợp là điều HTX rất quan tâm”, ông Dương chia sẻ.
Sản xuất hạn chế phát thải khí nhà kính là hướng đi hiệu quả, bền vững đang được nhiều nông dân, HTX thực hiện. |
Ông Phan Hoàng Em, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thọ (Đồng Tháp) cho biết, theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, phải từ năm 2025, Nhà nước mới thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, Nhà nước mới xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon… Đây là quãng thời gian khá dài nhưng nhiều HTX không biết từ nay đến 2025 phải làm gì và từ nay đến 2028 phải làm gì cho phù hợp.
Chính vì vậy, có những HTX như HTX Phú Thọ đang rất mong có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn, thay vì chỉ chờ đợi những văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước.
Phát triển “của để dành”
Thực tế cho thấy, nhiều nước đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất xanh, thực hiện mua bán tín chỉ carbon nhằm hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu, vì tín chỉ carbon được coi là “của để dành” và khi mang ra mua bán sẽ giúp nhiều HTX, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để tái đầu tư. Nên dù muốn hay không, các HTX, doanh nghiệp Việt cũng cần biết đến và tham gia tích cực vào thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm minh bạch AFT) cho rằng tham gia thị trường tín chỉ carbon, các chủ mô hình sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lợi về sau khi được quyền quy đổi lượng CO2. Hiện, 1 tấn CO2 bằng 1 tín chỉ - tại châu Âu có giá 83 USD và dự báo sẽ lên đến 280 USD vào năm 2026.
Như vậy, giá trị thu về từ bán tín chỉ carbon là không nhỏ, nhất là khi Việt Nam có nhiều điều kiện có thể phát triển thành những mô hình sản xuất xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngay như trong lĩnh vực lâm nghiệp, khi người dân, HTX trồng thêm nhiều rừng thì đồng nghĩa với việc nguồn tiền thu về sẽ càng lớn mà không phải chặt hạ cây, từ đó sẽ giúp họ tăng cường tái đầu tư vào quản lý, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là muốn có tín chỉ carbon, có sản phẩm xanh đều đòi hỏi những bước chuyển mình cụ thể của nông dân, HTX, doanh nghiệp. Trong đó có bước kiểm kê toàn bộ quy trình, hoạt động xem đâu đang là quy trình sản sinh ra nhiều khí nhà kính để HTX ưu tiên nguồn lực cải thiện. Điều này đòi hỏi cả sự hiểu biết, tài chính, sự sắp xếp tái cấu trúc hoạt động của đơn vị sản xuất.
Trong khi hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp mà ngay các HTX cũng đang sản xuất trong bối cảnh thị trường hết sức khó khăn bởi thách thức về nguồn vốn, dòng tiền, thị trường, vật tư đầu vào… Việc làm sao tồn tại được ở thời kỳ hậu Covid-19 cũng đã khiến các HTX chật vật, chưa nói gì đến những đầu tư, thay đổi về quy trình sản xuất.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn và đang chờ các quy trình chứng nhận tín chỉ carbon, cách thức giảm nhẹ khí thải nhà kính… từ cơ quan quản lý, những đơn vị chưa có sự chuyển đổi cụ thể nào nên chủ động thu thập số liệu, kiểm kê xem đâu là khâu phát thải nhiều khí nhà kính nhất để có hướng chuyển đổi phù hợp, sau này sẽ giúp bên thứ ba kiểm định một cách thuận lợi hơn.
Hiện đã có các đơn được cấp tín chỉ carbon nhưng do tổ chức quốc tế độc lập đánh giá nhưng số lượng rất ít, trong đó chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu, vì chi phí cho tổ chức nước ngoài vào thẩm định tín chỉ carbon được cho là rất tốn kém, thậm chí tốn kém hơn chi phí HTX, doanh nghiệp phải bỏ ra để đầu tư cho sản xuất xanh. Chính vì vậy, không ít HTX phải tính toán, cân nhắc trong quá trình phát triển, đầu tư.
TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), cho biết hiện đã có những mô hình sản xuất theo hướng bền vững nhưng họ lại chưa biết làm gì, bắt đầu từ đâu để tham gia thị trường tín chỉ carbon. Vì vậy, các cơ quan quản lý, địa phương cần tạo điều kiện cho những mô hình này thực hiện thí điểm hoặc tham gia các dự án trong thời điểm chờ đợi các thiết chế cụ thể về tín chỉ carbon.
Bên cạnh đó, có những HTX, doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường tín chỉ carbon nhưng vẫn có những thông tin ngoài tầm với, ngoài khả năng tìm hiểu của họ nên cần sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ quan quản lý trong truyền tải thông tin một cách phù hợp.
Đi liền với đó, chuyển đổi sản xuất để hạn chế phát thải rất cần nguồn lực về tài chính và nhân lực, nên HTX cần chủ động trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, phù hợp. Có nhiều phương pháp sản xuất bền vững nhưng tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp cần được phát huy và tiếp tục ứng dụng hiệu quả như ủ phân hữu cơ, "1 phải 5 giảm", "ngập - khô xen kẽ"… bên cạnh những đầu tư cần nhiều chi phí.
Huyền Trang